A Sinh bảo, tớ đi Hà Nội mỗi tháng, tiếng Việt nói thạo đến mức sử dụng tiếng lóng hơn khối người trẻ suốt ngày mạng mẽo ở nước ta.
A Sinh kể, quê tớ, sáng thức dậy núi đã đầy trong mắt. Thiên la địa võng nào là núi non. Thập vạn đại sơn bát ngát đứng dõng dạc ẩn tàng trong mây mù. Xe luồn lọt qua liên tiếp các hầm chui xuyên sơn tròn vạnh, cong vút.
“Trước, đi bộ hoặc cưỡi ngựa suốt hai tháng mới vào trận địa núi này. Vào không muốn ra, ra không dám vào. Giờ Chính phủ đổ tiền đổ của vào mở đường. Cả thế giới mới có cơ hội biết đến vũ điệu kỳ ảo của sơn thần vùng Trương Gia Giới và Viên Gia Giới! Núi kỳ vĩ, núi muôn hình vạn trạng, người ta bắc cây cầu bằng kính cheo leo qua nghìn mét vực sâu, cầu kính trong suốt dựng đứng cao nhất thế giới và cả những núi lỗ thủng Thiên Môn Động mà hàng năm người ta tổ chức lái máy bay xuyên qua. Siêu phẩm Avatar của Holllywood đóng ở đây này...”.
Vẻ đẹp trên các ngọn núi mây phủ, sau khi đi hết 99 khúc cua và tận hưởng hệ thống cáp treo huyền thoại.
Tôi vẫn thường cảm ơn số phận, khi mình có diễm phúc được đến với nhiều ngọn núi tuyệt sắc của Phi châu, Âu châu hay các quốc gia Châu Á viền quanh các dãy tuyết sơn vĩnh cửu đầy kỳ ảo của nóc nhà thế giới Hymalaya. Vậy nhưng, chỉ có ở vùng Hồ Nam ấy mới làm tôi chết ngất vì các vũ điệu cuồng say mà các ngài thần núi đã ưu ái cho con người. Sức người vốn dĩ đã nhỏ bé, kiếp phận họ lại hữu hạn quạnh hiu. Vậy mà họ đã tự tin xông vào điệp điệp núi non chất ngất và bí ẩn đến thách thức kia để nhuận sắc, xây cất, cho ra đời các kỳ quan nhân tạo. Thắp vống mãi lên cái ngọn lửa chinh phục và khám phá.
Người Tây Tạng, Bhutan, đôi khi họ coi núi là một cõi của cao xa xanh thắm, thiêng quý đến độ, tín đồ núi chỉ có thể đi vòng quanh các biển mây và miên man tuyết trắng để chiêm bái thôi. Leo lên núi là một điều báng bổ sơn thần. Còn người Trung thì ngược lại.
Việt Nam ta giờ có nhiều cáp treo, nhưng làm cáp treo lên đỉnh núi của vùng Trương Gia Giới “thập vạn đại sơn” thì thật không thể tưởng tượng nổi. Vị kiến trúc sư chắc chắn phải có cái điên rồ và máu liều thiên bẩm. Nơi đây được các tạp chí danh tiếng về du lịch phong tặng danh hiệu, “cáp treo dài nhất tại một đỉnh núi cao nhất thế giới”, với 98 ca bin, hệ thống cáp treo này đưa du khách vượt qua chiều dài tới 7,5km! Độ cao của ga phía trên là 1.279m. Núi dựng đứng, ngó lên là rơi mũ.
Lướt qua các sạn đạo. Đường khảm vào mép vực nghìn mét, lát gỗ, trông xa như con cuốn chiếu nâu bò bẫm, áp bụng vào các vách đá dựng đứng. Kia là cái thang có bậc bước lên. Nó dài hơn cả sự tưởng tượng của thiên hạ về một cái thang. Nếu không có nhóm người bé nhi nhít đang trèo leo để tính mạng nghìn cân treo sợi tóc, thì chắc chắn chả ai nghĩ đó là cái thang, càng không là cái thang cho người ta leo chinh phục.
Tôi viết bài này không phải để ca ngợi kiểu quảng cáo cho các công trình đã lừng danh thiên hạ của người Trung Quốc ở Trương Gia Giới. Chả có lý do gì để tôi phải làm việc đó cả. Tôi chỉ muốn nói một sự thật sững sờ.
Con đèo cao bậc nhất thế giới mà xe ô tô của loài người có thể đi qua, nó nằm ở cung đường từ thủ đô Lhasa của Tây Tạng đi thành phố Shigate, cao hơn năm nghìn mét so với mực nước biển. Tôi đã từng đi. Đèo dài nhất cao nhất Việt Nam là Ô Quy Hồ từ Sa Pa sang Lai Châu, tôi chinh phục một năm vài lần. Nhưng ta cùng thử nhìn xem, trên xuống hay dưới lên, các đèo trên chỉ loằn ngoằn vài khúc cua mà người ta chụp ảnh đến mòn cò bấm máy. Còn từ đỉnh cao gió căm căm, mây đùm túm chạy hoang dại, các sạn đạo và đường vách kính chon von sởn tóc gáy kia... - ở đó, xin thưa, bạn nhìn xuống, thấy gần như đủ 99 khúc cua vào Trương Gia Giới. Thế mới biết lúc làm “người trần mắt thịt” leo lên các tuyến đường nguy hiểm chon von mà xe cá nhân không được phép đi (chỉ các xe chuyên dụng của ban tổ chức quản lý thắng cảnh mới được vào) là rất có lý.
Cầu dây văng bắc vào hai trụ có hình dáng và màu sắc giống hệt chất đá dạng cột đặc trưng vùng Trương Gia Giới, Viên Gia Giới, nhưng thật ra nó làm bằng bê tông, cốt thép. Chắc là kính dày lắm. Nhưng độ trong của nó thì khiến người ta có cảm giác nó chỉ mỏng như cái ly uống rượu vang trắng. Đứng đó, như bạn đang ở một vòm trời ảo mộng. Cây cỏ êm ru, các tàng cổ thụ ken nhau bên dưới, tạo nên một lớp thảm dịu dàng như lông thú. Dòng suối xanh lèo rêu và đá cuội xám. Các vách đá từ thuở hồng hoang trắng, đen, loang lổ. Đó là cái vẻ quyến rũ nhất mà người thợ pha chế màu sắc diệu kỳ trời đất có thể làm ra trong suốt hàng triệu năm gió thét mưa gào.
Những hình ảnh như phim viễn tưởng được chụp lại và quảng bá khắp các con đường vòng vèo thang cuốn. Rồi các siêu phẩm của Hollywood được đóng tại đây, rồi mấy con chim cò quái thú của Avatar (bộ phim nổi tiếng quay tại Trương Gia Giới) cũng được dựng tượng ngoài mép vực. Ở đó, kỳ lạ, núi thành từng cọc, từng cột, cứ như núi vốn làm bằng gỗ mà ai đó đã chẻ nó ra thành từng thanh như thanh củi dài dựng đứng để chuẩn bị nhóm lò ấy. Núi dựng san sát từng “thanh” cao đến tận mây xanh, cỏ cây mọc lam nham cằn cỗi. Một vẻ đẹp rất thủy mặc.