Cứ cách tuần, gia đình 3 người nhà chị Nhung (Hà Nội) lại cùng nhau đi cắm trại một lần. Chị cho biết, các hoạt động du lịch đều bị hạn chế do Covid-19, nên chọn cắm trại để con trai gần 4 tuổi ra ngoài vui chơi và giải phóng năng lượng, song vẫn hạn chế tiếp xúc.
Tiêu chí chọn điểm đến của gia đình chị Nhung là không quá xa Hà Nội, vắng người, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và đặc biệt là an toàn. Một số điểm cắm trại thuận tiện phải kể đến như vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), thảo nguyên Đồng Lâm (Lạng Sơn)... Trong chuyến đi, gia đình chuẩn bị lều trại, bàn ghế, dụng cụ nấu bếp và thức ăn sống với chi phí khoảng 1-1,5 triệu đồng. Phương tiện di chuyển là ôtô riêng nên gia đình không tiếp xúc với người lạ.
Chị Nhung chia sẻ, những dịp cắm trại rất có ý nghĩa khi mang đến cho gia đình khoảng thời gian gắn kết, các thành viên cùng nhau làm mọi việc như dựng lều, nấu ăn, trò chuyện. Qua đó, con chị cũng học được nhiều kỹ năng sống, kiến thức về thiên nhiên, có ý thức dọn dẹp rác thải sau khi cắm trại. Chị cũng yêu thích cảm giác thư thái và tận hưởng thiên nhiên, đặc biệt trong thời gian Covid-19 lây lan ở nhiều tỉnh thành, khiến hoạt động vui chơi cuối tuần hạn chế.
Do công việc đang tạm dừng vì Covid-19, anh Thái Hoàng (TP HCM) cũng đi cắm trại mỗi tuần, vừa để thư giãn, vừa để phục vụ cho công việc làm tour trekking sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Anh thường đi cắm trại cùng bạn gái, hoặc vài người bạn có chung sở thích. Tiêu chí để lựa chọn các điểm đến anh là nơi vắng người, gần thiên nhiên và không xa TP HCM, để có thể đi bằng xe máy.
Gần đây nhất, anh Hoàng cắm trại 2 ngày một đêm tại núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có núi rừng, suối, thích hợp cho các bạn trẻ hoặc gia đình có con nhỏ. Núi ở đây có độ cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Từ đỉnh La Bàn, du khách có thể ngắm toàn cảnh núi rừng. Những đồ anh mang theo gồm lều, bàn ghế, đồ nấu nướng, thức ăn... Chi phí dao động khoảng 1-2 triệu đồng.
Anh Hoàng cho biết, trong giai đoạn Covid-19, cắm trại là loại hình giải trí khá an toàn, vì hành trình hoàn toàn khép kín, người tham gia không phải tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, các nhóm chỉ nên đi theo gia đình hoặc 2-3 người, tránh tập trung đông đúc và cần tuân thủ khuyến cáo an toàn của địa phương. "Trong khi nhiều người đang tập trung tại các quán cà phê, nhà hàng thì việc đi cắm trại ở nơi gần gũi thiên nhiên sẽ an toàn hơn", anh nói.
Tương tự, anh Lê Vinh Đệ (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng phải tạm dừng công việc vì dịch bệnh. Do ở Bình Định chưa có ca nhiễm Covid-19, nên cuối tuần anh cùng gia đình thường chọn các điểm đến ở nội tỉnh như cửa biển sông Lại Giang, đồi Mặt Trời (huyện An Lão). Đồ đạc mang theo bên cạnh các dụng cụ cần thiết thì tùy địa hình, anh phải mang thêm áo khoác, lều chống sương.
Thông thường, anh sẽ đến điểm cắm trại từ 14h ngày thứ 7, dựng lều trại, kê bàn ghế sau đó đi ngắm hoàng hôn, trước khi về ăn tối. Sáng sớm anh có thể dậy sớm đón bình minh, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành, sau đó ăn sáng, thu dọn rác thải, đồ đạc rồi trở về.
Theo anh Đệ, khi dịch bùng phát trở lại, cắm trại giúp anh có thời gian cùng người thân đi ngắm cảnh đẹp quê hương và thư giãn ở nơi vắng vẻ. Chi phí cắm trại cũng tiết kiệm, có thể chưa đến 500.000 đồng một người.
Anh Đệ lưu ý, người đi cắm trại cần tuân thủ các quy định hạn chế đi lại của địa phương nơi mình sống và nơi mình sẽ đến. Ngoài ra, cắm trại chỉ nên đi ít người để cảm nhận được không khí, cảm giác nghỉ ngơi đúng nghĩa và đảm bảo phòng chống Covid-19. Đồ đạc nên được chuẩn bị sẵn sàng từ nhà, hạn chế tiếp xúc nhất có thể trên đường. Ngoài ra, ở những nơi có người, du khách cũng nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.