Du khách "cuồng chân" vì thiếu chỗ chơi đêm
Vừa trở về từ chuyến du lịch Đà Nẵng - Hội An 5 ngày 4 đêm cùng bạn bè, chị Mai Thị Phương (quận 3, TP HCM) hào hứng chia sẻ: "So với những thành phố biển trong khu vực mà mình đã có dịp đi như Pattaya (Thái Lan), Sihanoukville (Campuchia), Bali (Indonesia), Đà Nẵng không hề kém cạnh về vẻ đẹp".
Tuy nhiên, nhắc đến điểm trừ của chuyến đi, chị Phương tỏ ra ngao ngán với các buổi tối ở Đà Nẵng: "22 giờ 30 sau khi đi ăn tối và dạo biển, nhóm chúng tôi bắt taxi đi cà phê tại quán Memory rất có tiếng tại đây. Tuy nhiên, bác tài lắc đầu nói giờ này thì các quán cà phê đóng cửa cả rồi, chỉ còn các quán nhậu mở cửa".
Đêm Đà Nẵng quanh quẩn chỉ có chợ đêm với bar, hoặc dạo phố rồi về ngủ
"Đã đi du lịch, thì nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm của du khách rất lớn, chứ chẳng ai muốn chỉ đi dạo rồi 10 giờ về đi ngủ. Như ở Đà Nẵng, chúng tôi chỉ có vài lựa chọn: đi dạo, ngắm cầu, ngắm sông Hàn, cà phê, hoặc không thì đi chợ đêm Sơn Trà, Helio, hay đi bar. Nhưng cơ bản là đều đóng cửa rất sớm", chị Phương nói.
Là một người con Đà Nẵng, anh Trần Thanh Hùng (quận Liên Chiểu) phải thừa nhận rằng: bao năm nay, đêm ở Đà Nẵng còn khá "trầm". Anh Hùng cũng dẫn chứng sự sôi động của khu phố cổ Tạ Hiện, phố đi bộ Hồ Gươm tại Hà Nội hay phố đi bộ Bùi Viện, phố Tây Phạm Ngũ Lão của TP HCM. Đó là nơi mà du khách có thể vui chơi thâu đêm, tận hưởng sự quyến rũ khi thành phố lên đèn, hòa vào dòng người tấp nập đa văn hóa hoặc đơn giản là "đốt thời gian" cho những thú vui xả stress.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, các hoạt động vui chơi thường kết thúc lúc 10 giờ tối, chỉ một số quán bar, pub… hoạt động đến 1-2 giờ sáng. Ở thành phố du lịch, mà ngay cả việc tìm hàng ăn vào khung giờ muộn cũng đã là cả một trời khó khăn. Những sự thiếu hụt này đang khiến du khách "cuồng chân" vào mỗi đêm ở thành phố sông Hàn, tất yếu là họ sẽ không lưu lại dài ngày.
Đừng để vuột mất thời cơ
So sánh với các thành phố trong khu vực mới thấy, tiềm năng của Đà Nẵng rất lớn. Với những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, những bờ cát trắng mịn trải dài như lụa, cùng nền văn hóa độc đáo, kho tàng ẩm thực phong phú, Đà Nẵng hội đủ yếu tố để có thể trở thành trung tâm du lịch của châu Á và trên thế giới.
Không có kinh tế ban đêm, thủ phủ du lịch miền Trung đang bỏ lỡ nhiều cơ hội
Cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của thành phố này trong việc biến du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Từ những việc làm nhỏ như tạo các khu vực tắm nước ngọt miễn phí cho du khách ven bờ biển Mỹ Khê, hay đưa người ăn xin, lang thang cơ nhỡ trở lại địa phương, xử phạt nặng những hành vi chặt chém du khách…, Đà Nẵng ngày càng tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Mới đây, theo báo cáo của trang web Live and Invest Overseas (Sống và đầu tư nước ngoài), Tạp chí Forbes đã xếp hạng Đà Nẵng là một trong những thành phố đẹp có chi phí sống rẻ nhất đối với người ngoại quốc, cùng với những cái tên khác như Lisbon (Bồ Đào Nha), Abruzzo (Ý), Chiangmai (Thái Lan)…
Báo cáo này cũng nhận xét: "Đà Nẵng là một điểm thu hút du lịch nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, với cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng và có một sân bay quốc tế. Ngoài việc là một điểm du lịch nổi tiếng, Đà Nẵng còn một thành phố giàu tiềm năng kinh tế và vẫn đang phát triển nhanh chóng. Chi phí sinh hoạt hằng ngày rất rẻ. Hầu hết người nước ngoài có thể ăn ít nhất hai bữa ở ngoài một ngày vì đồ ăn hàng quán đã đủ ngon và rẻ. Các món ăn đường phố rất tuyệt vời, tươi và vô cùng đa dạng".
Kinh tế đêm ở Đà Nẵng cần được triển khai bài bản
Tuy nhiên, chi phí rẻ thôi là chưa đủ. Ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cần nhiều hơn thế. Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: "Nhìn vào Đà Nẵng, một trung tâm phát triển rất năng động của nền kinh tế thì gần đây lại bị siết chặt nhiều quá. Tôi nghĩ đó là cách nhìn không cởi mở. Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh, có thể tận dụng và phát triển kinh tế ban đêm. Theo tôi hãy đổi mới tư duy, nhìn nhận kinh tế ban đêm một cách lành mạnh, tạo khuôn khổ pháp lý, hướng dẫn và quản lý tốt để phát triển kinh tế ban đêm".
Nhìn sang Angeles của Philippines, dù chỉ là một thành phố nhỏ phía Bắc Manila nhưng các hoạt động về đêm lại rất đa dạng, phong phú. Từ 12 giờ đêm đến sáng, khu vực phố đi bộ, chợ đêm, quán bar vẫn tấp nập khách. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24 cũng giúp du khách có thể mua hàng bất kể lúc nào.
Nếu so sánh với Singapore thì khoảng cách còn xa hơn nữa. Du lịch Singapore về đêm, du khách sẽ được thưởng thức một "bữa tiệc ánh sáng" thịnh soạn, cuốn hút, họ có thể thả bộ trên những con đường bên vịnh Marina sau một ngày rong ruổi tham quan, hít thở bầu không khí tươi mát trong lành, hay mua sắm không biết mệt tại Mustafa Center - một trung tâm mua sắm mở cửa 24/7.
Quay trở lại với Đà Nẵng, TS Lê Đăng Doanh đề nghị, cần có thêm nhiều hình thức và dịch vụ kinh tế đêm như cửa hàng, điểm ăn uống, các quán bar, vũ trường, các chương trình văn hóa nghệ thuật… "Các dịch vụ ban đêm có sự phức tạp, nên bên cạnh những mặt tích cực, cần phòng ngừa các tiêu cực. Vì vậy, cần có khu riêng. Trên thế giới họ quy hoạch kinh tế ban đêm thành khu riêng biệt. Ở đấy chuyên phát triển dịch vụ ban đêm, không để lẫn lộn vào các khu vực gần trường học, nhà dân" - TS Lê Đăng Doanh nhận định.