Ốc tu lơn hay còn gọi là ốc giác vàng, nó thường xuất hiện ở vùng biển duyên hải Nam Trung bộ kéo dài xuống tận phía Nam. Với người Nam bộ, ốc giác vàng quen thuộc hơn, nó thường sống ở vùng biển cạn ven các rạng, hang hốc, vách đá, quanh các hòn đảo chỗ nước trong. Ốc giác to con, vỏ dày, nặng trung bình khoảng 0,3 – 0,5kg/con, có những con trọng lượng trên cả ký.
Ốc tu lơn ở vùng biển Quảng Yên khá to
Thế nhưng, ốc tu lơn ở vùng biển Quảng Ninh thì lại khác. Bởi theo anh Ngô Hoàng Huy, quản lý nhà hàng Hải Linh (Mạo Khê, Quảng Ninh) thì loại ốc này được đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh thì con bé đã nặng khoảng 1 kg, to hơn so với loại trong Nam. Ốc to có thể đạt khối lượng trên 3 kg.
“Ốc giác vàng có thể sống hàng tuần sau khi bị bắt nếu để trong nước mặn. Vì thế mà ốc được đưa đến các nhà hàng khá dễ dàng mà vẫn còn tươi sống. Dân mê hải sản, mê nhậu rất ưa chuộng món thịt ốc giác vàng này”, anh Huy cho biết thêm.
Thường xuyên được khách đặt hàng nên ngày nào, anh Huy cũng phải đặt trước 3 - 4 con ốc tu lơn với mối buôn để kịp phục vụ khách. Vào những ngày nóng, hay những ngày cuối tuần thì thậm chí số lượng còn phải tăng gấp đôi, mặc dù giá của chúng cũng không hề rẻ.
Bởi nếu chế biến ra món thì mỗi kg đã có giá 550.000 - 600.000 đồng, tuỳ thời điểm giá ốc. Nhưng do chỉ bán hàng tươi sống nên nếu khách có nhu cầu ăn thì phải lấy cả con. “Nếu chỉ có 2 - 3 người thì chỉ cần bắt 1 con hơn 1 kg, nhưng nếu 1 mâm 6 - 7 người thì phải bắt 1 con 3 kg, giá của ốc to cũng sẽ nhân lên theo cân nặng”, anh Huy cho biết.
Một mâm 6 - 7 người chỉ cần dùng 1 con ốc là đủ vì theo anh Huy, phần thịt của ốc rất nhiều, trọng lượng vỏ không đáng kể. Gần 3 kg ốc thì 6 người ăn có khi còn chẳng hết.
“Loại đặc sản của vùng biển Quảng Yên (Hạ Long) này có thể chế biến rất nhiều món nên khách ăn nhiều cũng sẽ không bị ngấy. Nhưng ngon nhất vẫn là xào, hầm thuốc bắc hoặc nướng”, anh Huy nói.
Ở phía Nam, ốc giác vàng có thể không quá hiếm, nhưng ở Quảng Ninh, các nhà hàng phải có mối thân quen mới nhập được. Ốc không bán lẻ ngoài chợ và mỗi ngày tối đa cũng chỉ 10 kg.
Thậm chí, một số nhà hàng ở Quảng Ninh hiện còn đang cạnh tranh nhau bằng món ốc này. Vì theo anh Đồng Văn Kiên, chủ một nhà hàng hải sản ở Đông Triều (Quảng Ninh), có khách còn gọi đặt trước, nếu không có ốc thì sẽ chuyển qua nhà hàng khác.
“Món ốc tu lơn đã kéo doanh thu cho nhà hàng tôi khá nhiều. Trung bình mỗi ngày, riêng món ốc cũng đem về gần chục triệu đồng. Tôi còn phải dặn mối buôn, một ngày có 15 - 20 kg tôi cũng nhập hết. Hàng bán không hết trong ngày thì bẫn có thể tích trữ cho hôm sau”, anh Kiên cho biết thêm.