Chỉ cách đất liền khoảng 17 hải lý , không xa xôi mấy nhưng Hòn Chuối vẫn giữ được nét hoang sơ và là điểm đến mà dân “phượt” nào cũng muốn một lần đặt chân đến.
Đảo chạy gió Hòn Chuối, Cà Mau. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Một nhà gành Chướng , một nhà gành Nam
Cuối tháng Chạp năm Đinh Dậu 2017, khi nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp theo tàu hải quân ghé đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Từ xa Hòn Chuối hiện lên sừng sững với những nếp nhà lá, nhà mái tôn thấp thoáng bên những vách đá dựng đứng ven biển. Những xóm nhà trông xa ngỡ đông đúc nhưng khi đặt chân lên đảo thì chỉ là những căn nhà trống rỗng, không một bóng người, hoang vắng đến lạnh người. Chúng tôi lầm lũi vượt hơn 300 bậc thang để lên đỉnh núi, nơi đặt Trạm radar 615 của hải quân Vùng 5. Trên này cũng chỉ có vài căn nhà dân bằng gỗ nằm nép mình ven đường lên trạm và xung quanh chỉ toàn là đá và rừng nguyên sinh.
“Mùa này người dân dọn hết qua gành Nam sống rồi, ở đây không có ai đâu” - anh Hồ Tuấn Hiệp, cư dân đầu tiên mà chúng tôi gặp từ khi lên đảo Hòn Chuối, bắt chuyện khi thấy đoàn đi qua. “Ở đây ít khách, thấy mấy anh chị ra là thấy nhớ đất liền. Thôi vô đây uống nước, nghỉ chân lát cho đỡ mệt” - anh Hiệp đon đả mời.
Rót nước trao tận tay chúng tôi, anh Hiệp giải thích cư dân trên đảo Hòn Chuối sống theo mùa gió, một năm phải dời nơi ở hai lần. Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa gió Nam nên lúc này người dân sống ở gành Nam phải di chuyển sang gành Chướng ở để tránh sóng và gió. Còn từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa gió chướng thì dân lại phải quay trở về gành Nam. “Giờ là mùa gió chướng nên tàu mấy anh chị lên đảo ở gành Chướng chỉ thấy nhà trống không là phải, bởi dân đang tập trung hết ở gành Nam và ở bển mới sung túc, xôm tụ” - anh Hiệp kể.
Anh Hiệp ra đảo sống đã hơn 17 năm nay, ban đầu hai vợ chồng anh trồng cây ăn trái rồi mang về đất liền bán, sau này anh phát triển thêm nghề nuôi cá bè nên đời sống gia đình anh cũng ổn nhưng chỉ khổ khi mỗi năm hai lần sống cảnh chạy gió. “Nhà tôi ở trên này ít chịu ảnh hưởng nên không cần dời nhà. Còn bè cá tôi nuôi dưới gành thì cũng phải vòng đi chạy gió, chứ để thì coi như mất hết. Mà mỗi lần di chuyển rất khó khăn và tốn kém dữ lắm. Cực nhất là người dân sống ở gành, sáu tháng phải dời nhà một lần. Ngẫm lại chúng tôi VIP hơn ở đất liền ở chỗ ai cũng có đến hai nhà” - anh Hiệp cười.
Bên trong căn nhà của người dân Hòn Chuối. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Đang mùa gió chướng nên người dân Hòn Chuối đã di chuyển sang gành Nam sống, gành Chướng chỉ còn lại những căn nhà trống rỗng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Tình quân dân trên đảo chạy gió
Theo hướng dẫn của anh Hiệp, tôi và vài người trong đoàn men theo con đường bậc thang dẫn xuống gành Nam. Cuối cùng xóm nhà chạy gió của cư dân đảo Hòn Chuối đã hiện lên trước mắt, xa xa là mặt biển bao la. Những căn nhà ở đây cũng lụp xụp, mong manh, nằm cheo leo trên vách đá và đặc biệt là chẳng nhà nào có cửa.
Trẻ con trên đảo chạy gió Hòn Chuối. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Bộ đội luôn có mặt để giúp đỡ người dân trên đảo chạy gió. Ảnh: HẢI DƯƠNG
“Cứ mỗi lần đi là phải tháo cả nhà qua bên kia dựng lại, rồi đồ đạc tùm lum hết. Chưa kịp ổn định thì lại phải dỡ nhà trở lại bên kia. Vì vậy, về sau ai cũng dựng luôn hai cái nhà, chỉ cần sửa lại chút là vào ở. Tội cho mấy đứa con nít, theo cha mẹ chịu khổ, thiếu thốn đủ thứ” - chị Bùi Phương Thùy, cư dân ở đây kể.
Đang bốc tôm khô chuẩn bị cho ngày Tết, chị Nguyễn Ngọc Bích nói xen vào: “Cũng có mấy lần chạy gió trễ gặp sóng lớn nhà cửa hư hết. Sau này quen rồi, cứ canh tới ngày tới tháng là đi thôi. Mà không nhớ thì cũng có mấy chú hải quân, biên phòng nhắc nhở. Thấy hơi sóng là mấy chú thông báo cho chúng tôi, rồi hướng dẫn, giúp chúng tôi di chuyển, dọn đồ lên xuống. Mấy chú nhiệt tình, dễ thương lắm, hễ nhờ là giúp liền chứ không có phiền hà gì hết. Ở đây tuy khó khăn nhưng được cái ấm tình quân dân lắm. Ngày Tết bà con kéo nhau lên chỗ mấy anh hải quân cùng nhau ăn Tết, vui lắm!”.
Phía mỏ gành hàng chục đứa con nít đang nô đùa ríu rít hòa cùng tiếng sóng xô đá ầm ầm, những con thuyền lắc lư nghiêng ngả theo con sóng. Hòn Chuối vào xuân bình yên quá đỗi!
Vài nét về đảo Hòn Chuối Hòn Chuối cách cửa Sông Đốc, Cà Mau khoảng 17 hải lý với diện tích gần 70 ha, đỉnh cao nhất là 176 m so với mực nước biển. Trên đảo có 54 hộ dân sinh sống với 177 nhân khẩu. Dân đảo chủ yếu nuôi và khai thác thủy sản. Bà con đa phần còn nghèo; điều kiện sống còn khó khăn, nước ngọt không đủ nên người dân phải dự trữ nước mưa để xài. |