Nằm lọt giữa hai quốc gia Ai Cập và Sudan là mảnh đất rộng chừng 2000 km2 nhưng lại không được bất cứ quốc gia nào muốn xác nhận chủ quyền. Nơi này đôi khi được gọi là “Tam giác Bir Tawil” dù nó mang hình dáng của một tứ giác. Chính quyền Ai Cập hiện vẫn đang quản lý vùng lãnh thổ này, nhưng nó không hề xuất hiện trên bản đồ của quốc gia này.
Vùng đất vô thừa nhận
Bir Tawil là một trong những vùng đất hoang vu nhất của khu vực Bắc Phi. Nơi này chủ yếu là cát và đá, không có đường xá, khu cư dân sống ổn định hay tài nguyên thiên nhiên. Người ngoài nhìn vào thì cho rằng, việc tuyên bố chủ quyền ở khu vực này chẳng đóng góp gì vào nền kinh tế. Nhưng đó chỉ là một nửa câu chuyện.
Một số du khách tới đây và cắm cờ tự chế
Nằm cạnh Bir Tawil là một khu vực rộng hơn nhiều - Hala'ib. Nơi này cũng chỉ toàn đá và cát, nhưng lại giáp với biển Đỏ - nơi dẫn ra thế giới. Do vậy nó có giá trị hơn. Cả Ai Cập và Sudan đều muốn sở hữu Hala'ib. Chính vì lý do này, 2 quốc gia không bên nào muốn “nhận trước” Bir Tawil, bởi vô hình chung khu đất Hala'ib sẽ bị chia nhỏ hơn.
Du khách người Mỹ cắm cờ gia đình
Sự việc bắt đầu từ năm 1899 khi Anh Quốc nắm giữ quyền lực trong khu vực, đã ký một thỏa thuận với Ai Cập cùng quản lý Sudan tạo ra khu vực chung là Sudan Anh Ai Cập. Cũng trong cùng năm này, người Anh đo đạc và vẽ tại kinh độ 22 một đường biên giới phía bắc Sudan. Theo đó, Ai Cập sẽ kiểm soát vùng Hala'ib, còn Sudan kiểm soát Bir Tawil. Tuy nhiên, đến năm 1902, một đường biên giới khác được thiết lập. Vùng này đặt dưới quyền kiểm soát của Ai Cập. Còn vùng Hala'ib giao cho Sudan dựa trên đặc điểm cư dân trong vùng.
Vấn đề nảy sinh khi Ai Cập và Sudan giành độc lập sau này. Khi đó, Ai Cập khẳng định đường biên giới năm 1899 còn Sudan cũng thể hiện chủ quyền lãnh thổ ở đường biên giới 1902. Vùng Hala'ib là nơi mang nhiều giá trị kinh tế hơn, lại có diện tích lớn gấp 10 lần Bir Tawil , đều được 2 nước khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, Bir Tawil lại bị cả 2 quốc gia từ chối, đồng thời trở thành vùng đất không được bất cứ nơi nào thừa nhận.
Dù bị các quốc gia từ chối, nhưng Bir Tawil lại được một du khách người Mỹ mang tên Jeremiah Heatton tới đây cắm cờ tự chế, tuyên bố thuộc lãnh thổ của riêng mình. Năm 2014, một du khách khác có tên Dmitry Zhikharev cũng tới đây và cắm một lá cờ Nga. Hay một doanh nhân Ấn Độ, ông Suyash Dixit tới Bir Tawil cắm cờ riêng vào năm 2017.