Cẩn trọng trong việc người lạ nhờ xách hộ hành lý ở sân bay - Ảnh: C.TRUNG
Những điều lưu ý trên là hết sức cần thiết sau vụ việc một hành khách bỗng dưng lăn ra ngủ sau khi uống nước và ăn cơm do người lạ mời xảy ra tại Bến xe Miền Đông (TP HCM).
Cho dù sự việc mới chỉ xảy ra ở bến xe chứ không phải ở các cảng hàng không, nhưng không vì thế mà các hành khách đi máy bay phớt lờ các cảnh báo.
Vậy đi máy bay, hành khách cần tránh làm điều gì?
Khi xếp hàng qua khâu thủ tục soi chiếu an ninh, tuyệt đối không cầm giúp đồ đạc của người lạ.
Thời gian gần đây, các hãng bay giá rẻ siết chặt hành lý xách tay không quá 7kg ngay tại cửa khởi hành ra máy bay nên nhiều hành khách phải đóng phí quá ký giá 300.000 - 500.000 đồng.
Chính vì thế, tình trạng xách nhờ hành lý càng diễn ra nhiều hơn khi một số người đã nhờ người khác xách hộ đồ với lý do như sợ quá ký, nhiều quá xách giúp một ít để nhẹ tay hoặc mang quà hộ...
Sở dĩ không được xách dùm người lạ vì rất có thể trong hành lý được nhờ xách đó có thể có các thứ hàng cấm vận chuyển lên máy bay, hoặc có thể là ma túy...
Một cán bộ soi chiếu an ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng hành khách cần cẩn trọng trước chuyện người khác lợi dụng những người lần đầu đi máy bay, người già hoặc trẻ em để xách hộ hành hành lý có thể chứa những vật cấm.
Vì một khi bị phát hiện, những người nhờ xách hộ sẽ nhanh chóng phủ nhận đó là hàng của họ và lúc này, người chịu trận sẽ là người xách hộ hành lý.
Theo vị cán bộ này, các đối tượng phạm tội có thủ đoạn rất tinh vi, thường ngụy trang ma túy và đồ cấm vào những vật dụng rất thông thường như khuy quần áo, thắt lưng hoặc đóng thành vỉ như thuốc tân dược… rồi tìm một hành khách đi cùng chuyến bay, vờ như mang đồ quá cân, năn nỉ nhờ cầm hộ một vài bộ quần áo.
Ngoài ra, cũng có thể bị tội phạm lén thả ma túy, đồ cấm vào túi mà không hề hay biết. Đến khi bị phát hiện, do không có người làm chứng, người xách hộ sẽ khó tránh rắc rối.
Do đó, tại sân bay hay bất cứ nơi nào gần với dịch vụ hải quan, hãy thận trọng khi giúp người lạ, cho dù đó là người già hay phụ nữ mang thai, kể cả họ nhờ cầm hộ họ chai nước hay bất cứ thứ gì.
Không chỉ việc cẩn trọng xách hộ hành lý của người khác mà điều hành khách tối kị không được phát ngôn bừa bãi hay đùa giỡn như "có bom".
Đã có nhiều trường hợp hành khách trong quá trình làm thủ tục check-in, thậm chí xếp hàng chuẩn bị ra cửa máy bay, bị an ninh sân bay mời kiểm tra lại hành lý ký gửi vì có phát ngôn "có bom".
Chẳng hạn, hồi tháng 11-2018, hai nữ hành khách khi làm thủ tục lên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Kuala Lumpur (Malaysia) về Hà Nội đã bị cảnh sát Malaysia giữ lại vì nói có bom trong hành lý.
Trước đó, nam hành khách D.H.L. (24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) có chuyến bay từ Đà Nẵng đi TP. HCM hồi tháng 9-2018 đã bị phạt 4 triệu đồng và cấm bay 12 tháng cũng do phát ngôn tưởng là đùa giỡn này.
Tương tự, hồi tháng 5-2018, nữ hành khách Feng Cheng Yu (quốc tịch Trung Quốc) trong lúc làm thủ tục chuyến bay VJ731 chặng Cát Bi - Nha Trang đã lớn tiếng dọa có bom mang theo trong hành lý, nhà ga Cát Bi đã ngay lập tức phải sơ tán hành khách để đảm bảo an toàn.
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cũng lưu ý hành khách kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân nhân, giấy khai sinh cho trẻ em... để tránh những sự cố đáng tiếc, lỡ chuyến bay.
Theo vị này, thời gian gần đây xuất hiện một số hành khách dùng giấy tờ giả đi máy bay. Vị này khuyến cáo hành khách tuyệt đối không được giả mạo giấy tờ, nếu bị phát hiện sẽ bị chuyển về Đồn công an Tân Sơn Nhất kiểm tra, xử phạt.