Cụ thể, gói tín dụng này khoảng 150.000 tỉ đồng, tương đương 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch. Khi triển khai gói tín dụng này, các doanh nghiệp đăng ký có thể vay vốn định kỳ hằng quý cho 2 quý tiếp theo, với số tiền tương đương khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm ngoái, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng bảo đảm cho các hình thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
"Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động" - TAB nhận định.
TP HCM hiện vắng bóng khách quốc tế. Ảnh: Lam Giang
TAB đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn thành viên cung cấp chỗ ở miễn phí cho du khách bị mắc kẹt tại Việt Nam có khó khăn về tài chính…
Trước đó, vào giữa tháng 4, được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Công ty Grant Thornton Việt Nam hỗ trợ, TAB đã tiến hành khảo sát 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành. 92% trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.
Kết quả khảo sát cho thấy 71% doanh nghiệp nói doanh thu của họ trong quý I giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái; 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý II sẽ giảm hơn 80% so với cùng kỳ. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 18% đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% cho 50% nhân viên nghỉ việc…
Hơn 88% doanh nghiệp cho biết họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Bởi để tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch, bản thân doanh nghiệp phải ưu tiên biện pháp kiểm soát chi phí, đồng thời rất cần chính sách tài chính hỗ trợ từ nhà nước.
Năm 2019, Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế cho biết ngành du lịch Việt Nam đã đóng góp 8,8% GDP (khoảng 536.000 tỉ đồng). Số lượng người lao động đạt 4,9 triệu. Trong 4 năm qua, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành…
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới lĩnh vực lữ hành và lưu trú du lịch, với số lượng du khách quốc tế bằng 0 và khách nội địa không đáng kể. Du lịch cũng là lĩnh vực đầu tiên cảm nhận cuộc suy thoái này.
Do đó, việc sớm có những hành động hỗ trợ ngành du lịch và giảm thiểu việc các doanh nghiệp sa thải do dư thừa lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động; có thể phản ứng nhanh khi thị trường bắt đầu hồi phục trở lại… cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ trong thời gian tới.