Trên hành trình hành hương về nơi Đức Phật đản sinh - Lumbini, chúng tôi dừng chân nghỉ tại tòa đại bảo tháp ở vùng ngoại ô phía Đông Bắc thủ đô Kathmandu (Nepal).
Vòng kinh luân cầu nguyện
Bảo tháp Boudhanath được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1979. Tòa tháp hình vòm đặc trưng của Phật giáo Mật tông với 4 phía nhìn ra 4 hướng, đều được vẽ đôi mắt của Đức Phật. Phía trên cùng là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho sự thấu suốt, cho trí tuệ giác ngộ. Biểu tượng số "Một" ở phía dưới theo quan niệm của người Nepal là sự hợp nhất.
Bảo tháp dòng Mật tông lớn nhất thế giới - Boudhanath
Chúng tôi không tìm được câu trả lời đại bảo tháp có từ khi nào. Nhưng, tất cả cư dân sinh sống dưới chân tòa tháp, trên con đường Boudha thuộc thủ đô Kathmandu đều kể bảo tháp được xây dựng trên tuyến đường thương mại cổ từ Nepal tới Tây Tạng. Đó là con đường mà các thương nhân, hành giả, lama (người tu hành)... đi qua để vượt dãy Himalaya hay thông thương tới những thung lũng lân cận. Qua đây, họ dừng chân dưới bảo tháp để nghỉ ngơi và cầu nguyện bình an.
Dưới chân bảo tháp Boudhanath
Tới ngày nay, tòa tháp vẫn giữ nguyên giá trị là trung tâm Phật giáo Mật tông lớn nhất Kathmandu khi mỗi ngày đều đón nhận hàng ngàn lượt khách hành hương, tăng ni, dân địa phương, Phật tử Tạng truyền… tới hành lễ.
Ở đây, chúng tôi bắt gặp những bước lạy rạp người của các Phật tử Tạng truyền dưới chân bảo tháp với niềm tin đặc biệt về sự giác ngộ và giải thoát. Đó là những vòng Kora, còn gọi là đi "nhiễu" (đi xung quanh bảo tháp) và xoay kinh luân gắn trên tường bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, vào bất kể ngày nào. Họ vừa đi vừa đọc chú, lễ lạy, hát những bài hát cầu nguyện và đốt trầm để thanh tẩy tâm hồn.
Con người hiền hòa
Người bạn đi cùng tôi nói rằng: "mình như chậm lại và học được sự kiên nhẫn khi ở Nepal". Đó là bởi nhịp sống nhẹ nhàng, từ tốn và biết hài lòng của người dân ở đây, dù Kathmandu là một thành phố sầm uất với những con đường đông nghẹt người và xe.
Chúng tôi thường "đùa nhau" kẹt xe là đặc sản của thủ đô Nepal khi bất cứ con đường lớn, nhỏ nào cũng đều có thể xảy ra tắc nghẽn. Nhưng lạ lùng là không hề nghe thấy tiếng còi xe, không hề nhìn thấy cảnh chen lấn, hối thúc nhau như nhiều thành phố khác ở châu Á. Thậm chí, một vụ tông xe trực diện khiến cả hai bên bị thiệt hại nặng nề cũng được chậm rãi giải quyết trong hòa bình, êm thấm. Hàng trăm chiếc xe nối dài trên con đường từ Boudhanath tới vùng thung lũng ngoại vi thủ đô bị kẹt lại bởi vụ tai nạn cũng bình thản chờ đợi gần một ngày dài nhưng không mấy ai cau có, hay mất bình tĩnh.
Nhiều vật phẩm truyền thống Nepal - Tây Tạng được bày bán
Cái lạnh trên dưới 10 độ C của Nepal không gây ra cảm giác buốt giá như mùa đông Việt Nam nên việc đi dạo quanh Thamel - khu phố du lịch sầm uất của Kathmandu thực sự thú vị. Nếu như Bouddhanath là trung tâm Phật giáo của những người say mê hành hương thì Thamel là trái tim sôi động của thủ đô Kathmandu với những shop đồ lưu niệm, vật phẩm Phật giáo, đồ cổ, thảo dược truyền thống và trang phục rực rỡ sắc màu. Thamel cũng là nơi được dân "trekking" (leo núi) tìm đến nhiều nhất bởi có thể dễ dàng mua đồ phục vụ cho hành trình chinh phục độ cao cũng như cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Nepal.
Một góc đường phố Nepal
Khu phố cổ Thamel sôi động là vậy nhưng không phải vì thế mà người dân bớt đi vẻ hiền hòa, từ tốn. Chủ một cửa hàng vật phẩm Nepal - Tây Tạng có thể dành cả buổi để giải thích cho bạn về ý nghĩa từng món đồ, về những câu chuyện linh thiêng của mảnh đất này cũng như giúp bạn lựa một món đồ ưng ý nhất. Bạn cũng có thể rời đi trong vui vẻ ngay cả khi không mua bất cứ thứ gì.
Khỉ hoang sống ở Swayambunath - ngôi đền Phật giáo hoà trộn kiến trúc Ấn Độ giáo
Những con vật cũng hiền lành
Khuôn viên đền Swayambunath
Chúng tôi gặp ở Nepal những quảng trường rộng ngập nắng với từng đàn chim bồ câu đập cánh bay lên đỉnh những bảo tháp linh thiêng. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều chó hoang, khỉ hoang sống xung quanh bảo tháp hay ở một khu dân cư nào đó. Tất cả đều hiền lành, không có chút gì hung hãn như đặc điểm của những con vật sống hoang. "Phần đông người Nepal ăn chay và yêu thương động vật. Những con vật không bị đuổi đánh, giết thịt và sống dưới chân Phật nên mang vẻ hiền lành" - hướng dẫn viên người Nepal nói với tôi.