Đọc tiêu đề, bạn sẽ thắc mắc ngay "làm gì có hòn Vợ Chồng? Chưa nghe nói bao giờ. Chỉ nghe hòn Trống Mái thôi". Thực tế có hòn Trống Mái ở Thanh Hóa, nằm trên núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), ít người biết dù có huyền tích quá đẹp.
Chuyện là hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long, dân gian gọi là Gà Chọi, quá nổi tiếng vì đó là biểu tượng không chỉ của du lịch Hạ Long, di sản văn hóa thế giới mà cả du lịch Việt Nam; được in trên nhiều bưu thiếp, bưu phẩm.
Mấy "lão nông tri điền" xứ Thanh khẳng định với tôi "Gọi hòn Trống - Mái là không đúng. Vừa dễ nhầm với hòn Trống Mái ở Hạ Long vừa phủ nhận huyền tích cảm động của danh thắng có một không hai này. Phải gọi chính xác là "hòn Vợ Chồng". Trống mái là giống của loài vật. Còn vợ chồng là quan hệ tạo nên cuộc sống của xã hội loài người. Lập luận giản đơn mà chí lý.
Huyền tích hòn Vợ Chồng
Có vài dị bản về huyền tích hòn Vợ Chồng. Chuyện rằng ở vùng Sầm Thôn xưa, có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng. Vào một buổi chiều, khi thuyền vừa cập bến, trời bỗng nổi cơn giông dữ dội. Giữa không trung, một cánh cò trắng sức cùng lực kiệt, lao xuống vũng Tiên thơ mộng. Chàng Ngư Phủ, mặc gió mưa rát mặt, chạy ào tới, mang cò về chăm sóc. Từ đó cò ở lại cùng chàng. Hàng ngày, chàng Ngư Phủ ra biển chài lưới, cò ở nhà một mình. Hết hạn đội lốt cò và được trở về tiên giới, cò trở thành cô gái nhan sắc tuyệt trần. Nhưng nàng không trở lại thiên đình làm tiên nữ mà nguyện ở lại trần gian.
Một chiều nọ, Ngư Phủ trở về, ngạc nhiên khi thấy nhà cửa gọn gàng, cơm canh dọn sẵn mà vắng bóng cò như mọi khi. Chàng buồn rầu, bỗng từ trong liếp, nàng bước ra e lệ cúi chào. Cuộc thiên duyên giữa chàng Ngư Phủ và tiên nữ đã thành hiện thực.
Chốn thiên đình, hết hạn phải làm kiếp cò mà vẫn chưa thấy con gái trở về, hay tin nàng kết hôn với người hạ giới, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình, sai người xuống trừng phạt.
Hòn Vợ Chồng mãi bên nhau. Ảnh: DLTH
Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ nàng trở về trời nhưng nàng nhất mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim để che mắt Ngọc Hoàng. Khi sứ giả bước vào, định bắt thì đôi chim biến thành đá, đứng trơ trơ để bên nhau mãi mãi. Phiến đá đó người dân gọi là hòn Vợ Chồng.
Chuyện khác kể rằng năm xửa năm xưa, nước biển dâng cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển. Có hai vợ chồng nghèo may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao trên núi.
Ngày qua ngày, nước biển rút nhưng xung quanh chỉ toàn đầm lầy chua mặn, một ngọn rau cũng không còn. Đôi vợ chồng chẳng có gì để ăn. Một hôm, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi. Đoán chắc có gì trên núi ăn được, chàng gắng gượng leo lên.
Người vợ ở lại, ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, nàng lê bước, lần theo dấu chân đi tìm chồng. Đến chân núi, ngửa cổ lên nàng thấy đàn quạ đen đang chao lên, lượn xuống, vừa đập cánh vừa kêu "quạ! quạ!".
Người đàn bà bất hạnh dốc hết sức tàn, cố bấu víu vào đá vào cỏ để bò lên đỉnh núi mong được gặp chồng mình lần cuối. Linh cảm của người vợ không sai, khi bò lên đỉnh núi, nàng thấy chồng mình đã chết tự lúc nào. Thương xót vô hạn, không nói được lời nào người vợ gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng.
Sự gắn bó thủy chung và kết cục đau thương của đôi vợ chồng nghèo đã cảm động tới thần tiên. Họ hóa phép cho đôi vợ chồng thành đôi chim để được ngày ngày quấn quýt bên nhau.
Đến kỳ hạn, đôi vợ chồng chim phải về trời. Do gắn bó tha thiết với xóm làng, với núi non biển cả, đôi chim không nỡ rời xa trần gian nên xin được ở lại. Ngọc Hoàng chấp thuận với điều kiện - hóa đá. Để toại nguyện bên nhau, đôi vợ chồng chấp nhận hóa kiếp lần thứ hai, thành hòn Vợ - Chồng, trường tồn vĩnh hằng với thời gian.
Dù hai dị bản nhưng đều có điểm chung nhất là mối tình son sắt, chung thủy; là khát khao hạnh phúc, được sống trong tình yêu, dù phải hóa đá.
Danh thắng "độc nhất vô nhị"
Hòn Vợ Chồng nằm trên núi Trường Lệ cũng gắn với sự tích nhân văn, tình nghĩa.
Chuyện xưa kể rằng năm ấy cơn đại hồng thủy đã cuốn mọi thứ ra biển Đông. Một phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Khi nước rút, sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường.
Dân làng khóc thương nàng, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ, có nghĩa là nước mắt dài. Đường lên núi Trường Lệ uốn quanh giữa rừng thông luôn rì rào, thầm thì về những huyền tích; bạt ngàn xanh như nối đất với trời. Xa hơn chút là đền Cô Tiên, đền Độc Cước với những sự tích kỳ thú và biển Sầm Sơn nồng nàn, quyến rũ.
Đường hẹp và đẹp, cảnh trí quá đỗi nên thơ nhưng cách làm thì quá tệ. Xe cứ chạy thẳng tới hòn Vợ Chồng. Quán xá ồn ào chào mời tiếp thị. Ngay dưới hòn Vợ Chồng độc nhất vô nhị là vài con ngựa vô duyên và tượng Tôn Ngộ Không nhí nhố cho khách thuê chụp ảnh, cực kỳ phản cảm. Rồi khách leo trèo cả nhóm lên hòn Vợ, hòn Chồng. Có cả việc viết vẽ bậy lên đá.
Đường lên núi Trường Lệ. Ảnh: DLTH
Thiết nghĩ phải trả sự trân trọng với văn hóa tối thiểu và môi trường tự nhiên cho hòn Vợ Chồng. Cần có rào khoanh vùng danh thắng. Cấm xe cộ, thú vật hay bất cứ hình tượng nào vào khu vực. Nên đậu xe cách 500 mét trở lên, đi bộ vào danh thắng, mua vé và xếp hàng trật tự.
Yêu thật lòng đá cũng rung lên
Hòn Vợ Chồng không chỉ độc đáo bởi chuyện tình cảm động, bởi cấu tạo địa chất và hình dáng mà còn bởi hiện tượng tự nhiên kỳ lạ. Phải đến mấy lần và nghe các lão nông mách nước tôi mới phát hiện ra.
Các cụ kể: "Khi đến tham quan hòn Vợ Chồng, cánh đàn ông - nếu thật lòng với vợ hoặc người yêu - khi đưa tay ôm hòn Vợ thì nó sẽ rung nhẹ như thổn thức". Tôi đã thử và thực tế vật lý đúng như vậy. Còn việc thực hư thế nào thì chỉ người trong cuộc mới trả lời được. Hiện tượng này, không ở đâu có.
Nghe đồn dạo này thiên hạ ùn ùn đổ về hòn Vợ Chồng, nhất là các cặp đôi, từ trẻ đến già. Cánh phụ nữ, kể cả người nước ngoài đang rủ nhau đưa chồng và người yêu về Thanh Hóa để kiểm tra tình cảm và độ chân thật của đối tác. Du lịch Thanh Hóa có thể tận dụng cơ hội này để quảng bá, phát triển du lịch nhờ hòn Vợ Chồng "độc nhất vô nhị".