Nguồn gốc của món ăn này xuất phát từ vùng Quảng Tây - Trung Quốc và nó là món chè giải nhiệt mùa hè. Sau này, một bộ phận người Hoa di cư đến vùng đất Hải Phòng đã đem theo món chè tôm lạnh này du nhập Việt Nam. Thế nên, món này chỉ người Hoa ở Hải Phòng mới biết cách làm. Thêm vào đó, món này làm khá vất vả nên đến nay, hầu như ở TP HCM chỉ còn vài ba người bán.
Tên đầy đủ của chè tôm lạnh là quầy phá phảnh. Chè được làm từ nụ hoa hòe khô nấu với nước sôi như nấu trà rồi chắt ra pha với bột gạo để làm thành sợi như sợi bánh lọt. Bản thân hoa hòe có vị đắng nên người bán phải canh liều lượng thế nào để vừa đủ, không bị đắng.
Đã nói đến món Hoa thì từ đồ mặn hay đồ ngọt đều có công dụng bồi bổ, dưỡng nhan. Vì vậy, đây là món ăn đặc biệt tốt cho phụ nữ. Ngoài ra, chè tôm lạnh còn có tác dụng nhuận trường, hạ huyết áp, điều hòa thân nhiệt. Dù trẻ con, người già đều có thể ăn được chè tôm lạnh nhưng do hoa hòe có tính bình nên người bụng dạ yếu, đang nhiễm lạnh thì không nên ăn.
Ở TP HCM, tôi thường ăn chè tôm lạnh ở 2 quán nhỏ trong chợ Phú Thọ và chợ Bình Thới (đều ở quận 11). Quán ở chợ Phú Thọ thì cọng bánh to, nấu chung với đường ngay từ đầu nên hơi ngọt, nếu ai thích nhạt hơn thì bỏ thêm nhiều đá. Quán ở chợ Bình Thới thì để nước đường riêng cho khách có thể tự gia giảm. Nhất là cọng bánh ở đây ngắn hơn, nhỏ hơn, có thể hút bằng ống hút.
Dù hình thức khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản cọng bánh khi ăn vào có cảm giác mướt mát, mềm mịn hơn bánh lọt. Và giá cho 1 ly chè tôm lạnh cũng hết sức bình dân, chỉ 5.000 đồng.
Dạo này trời TP HCM nóng như thiêu như đốt, trưa trưa chỉ ước có 1 ly chè mát mát hạ hỏa và chè tôm lạnh là lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, hơi bất tiện là quán chỉ bán từ sáng đến tầm 12 giờ nên nhiều khi xế xế trời đổ nắng gay gắt, thèm cái cảm giác húp lấy húp để ly chè tôm lạnh mà ngậm ngùi chờ sáng hôm sau.