Thìa và đũa kim loại không thể thiếu trong bữa cơm của người Hàn Quốc. Ảnh: Manggchi.
Tại nhiều nước châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, người dân cũng dùng đũa trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng đũa kim loại, dáng mỏng dẹt thay vì thân tròn hoặc vuông cạnh như đũa tre gỗ hoặc nhựa thông thường. Hiện không ai có thể chắc chắn đũa kim loại của Hàn Quốc xuất hiện từ khi nào. Xưa kia, chỉ các gia đình quý tộc mới có đũa vàng, bạc hoặc đồng thau để dùng vào những dịp lễ đặc biệt.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của đũa kim loại, một trong số đó cho rằng chúng có từ thời Bách Tế (18 TCN - 660), một trong Tam Quốc Triều Tiên cùng Cao Câu Ly và Tân La. Hoàng tộc của vương quốc Bách Tế chính là những người đầu tiên dùng đũa bằng bạc khi ăn để đề phòng bị hãm hại, bởi bạc sẽ chuyển màu đen nếu tiếp xúc với một số chất độc. Người ta tin rằng trăm họ Bách Tế bắt đầu đúc đũa kim loại để dùng theo bậc vương giả, theo Gastro Tour Seoul.
Đũa kim loại sẽ không bén lửa nếu được dùng trong những bữa nướng BBQ truyền thống của người Hàn Quốc. Ảnh: Timeout. |
Một giả thiết khác cho rằng người Hàn Quốc dùng đũa kim loại do chất liệu này bền đẹp và vệ sinh hơn tre gỗ, lại dễ lau rửa. Thông thường, đũa tre, gỗ sẽ bạc màu theo thời gian, hoặc dễ bị ẩm mốc. Người dân xứ sở kim chi còn dùng thìa kim loại lớn để ăn cơm vì cơm sẽ ít dính vào kim loại hơn bề mặt gỗ.
Trước kia, những nhà hàng Hàn Quốc truyền thống thường có giờ nghỉ vào các buổi chiều giữa hai ca phục vụ trưa - tối. Trong thời gian này, đũa được rửa nước sôi để tiệt trùng, sau đó đặt vào bao gói hoặc ống đựng. Ngày nay, nhiều nhà hàng hiện đại còn đầu tư máy khử trùng để thực hiện khâu này.
Để bớt khó khăn cho thực khách nước ngoài mới làm quen với ẩm thực xứ kim chi, nhiều chủ quán còn dùng đũa inox thân tròn với phần đầu khắc nhiều nấc, giảm trơn trượt khi gắp thức ăn. Ảnh: Solidrop. |
Thực khách có thể khó lòng gắp thức ăn bằng đũa kim loại, do chất liệu này không có độ bám dính cao. Do đó, những đôi đũa Hàn Quốc có dáng thô dẹt để người dùng dễ kẹp thức ăn - nếu họ cầm đúng cách.
Một đôi đũa dẹt còn có thể được dùng như kéo xắn những món sợi như mì miến, trừ món mì lạnh có sợi mì dai hơn. Đôi đũa của người Hàn Quốc còn dễ dàng gỡ các loại rau, thịt so với đũa thân tròn.
Một giả thiết về hình dáng đặc trưng của đôi đũa chỉ ra rằng, phụ nữ Hàn Quốc thời phong kiến phải hầu chồng ngày ba bữa cơm thịnh soạn, bày tất cả thức ăn ra cùng lúc. Những đôi đũa dẹt khó bị lăn, hay rơi khi họ xếp thức ăn lên bàn.
Nguyên tắc dùng thìa đũa trên bàn ăn của người Hàn Quốc:
- Ăn súp hoặc kim chi trước khi dùng cơm và những món ăn khác
- Không gõ thìa đũa vào bát đĩa; không cầm thìa, đũa trên cùng một tay
- Dùng thìa để xúc cơm canh, đũa gắp thức ăn; không để thìa đũa lên bát đĩa, mà đặt trên gác đũa
- Không để thức ăn dính lại thìa, không dùng thìa để lấy thức ăn
- Không cầm bát cơm hay bát súp trên tay trong bữa.