Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ “Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển Thạnh Phú năm 2023” diễn ra đầu tháng 5 tại huyện Thạnh Phú - Bến Tre.
Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh
Tại hội thảo, một vấn đề nổi bật được đặt ra lần này là phát triển du lịch theo hướng thông minh. Trong những năm gần đây, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin - truyền thông đã tạo sức bật cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, cũng từ đó khái niệm "du lịch thông minh" được hình thành và dần trở nên phổ biến.
Theo báo cáo của tỉnh Bến Tre, hiện có khoảng 90% đơn vị kinh doanh du lịch ứng dụng công nghệ 4.0 vào chiến lược quảng bá, truyền thông hình ảnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và địa phương; tích cực đầu tư xây dựng, thiết kế và chỉn chu các trang facebook, zalo, instagram, tiktok....
Điều này đã dần dần thu hút mọi đối tượng người xem, chuyển từ ý thích đi du lịch thành hành động quyết định đi du lịch để khám phá, trải nghiệm và được "chạm" vào thực tế các sản phẩm du lịch. Đồng thời, dịch vụ ứng dụng du lịch thông minh cũng được đặc biệt quan tâm, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của khách du lịch trong giai đoạn mới. Hầu hết các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí đều có wifi miễn phí. Các điểm tham quan đều dựa vào nền tảng dữ liệu số phục vụ phát triển du lịch số, kết hợp với thương mại điện tử để hướng tới một ngành kinh tế thông minh phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đang triển khai và đưa vào vận hành Ứng dụng du lịch thông minh nhằm đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào các sản phẩm du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội bền vững, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Trong tham luận phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Thị Ngàn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - nhấn mạnh: Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam phát triển đột phá. Khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019, đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là tốc độ tăng rất cao so với mức tăng bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2011-2015 và là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc.
Khách nội địa đã tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng bình quân 10,5%/năm. Đóng góp trực tiếp của du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP): năm 2015 là 6,3%, đến năm 2019 là 9,2%, tăng 2,9 điểm phần trăm. Tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm yếu về sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá... Vì vậy, phát triển du lịch thông minh sẽ góp phần hạn chế và khắc phục những điểm yếu này.
Du lịch thông minh góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing du lịch số; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến; thay đổi phương thức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch thông qua phát triển các ứng dụng quản lý điểm đến du lịch, các doanh nghiệp, hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú; hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
Du lịch thông minh vẫn cần sản phẩm đặc thù
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Tùng, giám đốc Du lịch Nội địa Công ty Du lịch Bến Thành chia sẻ: Chúng ta không khẳng định du lịch thông minh đã đem đến thật nhiều lợi ích cho ngành du lịch, cho du khách và cả các nhà tour. Giờ đây, chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, du khách đã có thể chuyển tải mọi ngóc ngách của đường tour, tường thuật trực tiếp cho người ở nhà mọi hoạt động của mình trên các nẻo đường, phản ảnh sinh động chất lượng dịch vụ tour… Tuy nhiên, dưới tư cách một nhà tổ chức du lịch, tôi vẫn quan tâm đến sản phẩm du lịch tại từng địa phương, sự liên kết giữa các tỉnh thành trong việc tạo ra những sản phẩm chung, mang đặc thù khu vực.
Điển hình như cách đây hơn 20 năm, bản thân tôi khi thiết kế chương trình tour khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đặc biệt chú ý sản phẩm "tát mương bắt cá" hay cưỡi đà điểu. Đầu tiên tôi kết hợp cùng Khu Du lịch Vinh Sang tổ chức những sản phẩm này và liên tục thay đổi các chi tiết trong sản phẩm đó nên sau 20 năm thương hiệu "tát mương bắt cá" đã đi khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vẫn "sống" tốt khi du khách nào cũng một lần muốn được trải nghiệm.
Đồng tình với ý kiến của ông Cao Tùng, bà Cao Phẩm Hằng, giám đốc công ty Du lịch Vietjetours chia sẻ: Sự phát triển của du lịch thông minh những năm gần đây thật sự là một cú hích cho ngành du lịch cả thế giới; đưa du khách đến gần các sản phẩm du lịch hơn nữa. Nhờ công nghệ phát triển, gần như giới trẻ đều có khả năng tự thiết kế tour cho mình, từ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, chỗ ăn đến điểm tham quan… Tuy nhiên, trên thực tế, giá tour lẻ cá nhân tự đặt đều đắt hơn giá tour của các hãng lữ hành, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bản thân khách không tự xử lý được. Chúng ta không thể phủ nhận Du lịch thông minh đã giúp ngành du lịch khởi sắc rất nhiều nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ mà ngành du lịch và cả chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết đồng bộ để đem đến một tương lai xán lạn cho ngành kinh tế mũi nhọn này.