Xem pháo hoa bờ hồ Hoàn Kiếm
Giao thừa hàng năm, UBND TP Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa ở 30 quận, huyện với 6 điểm bắn tầm cao và 24 điểm bắn tầm thấp. Thời lượng màn pháo hoa dự tính là 15 phút, tính từ 0h ngày 5/2. Bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn là địa điểm thu hút đông đảo người dân thủ đô và khách du lịch đến xem pháo hoa vào đêm giao thừa. Du khách nên đến đây từ 20h để có vị trí xem ưng ý.
Tham quan phố cổ ngày đầu năm
Không tắc đường, không tiếng còi xe, không tấp nập người mua kẻ bán, sáng mùng 1 Tết trở thành thời điểm được người dân Hà Nội đặc biệt đón chờ trong năm. Đây là lúc tất cả phố phường nội thành thưa thớt bóng người. Đến phố cổ những ngày này, du khách có thể cảm nhận trọn vẹn không khí yên bình của thủ đô như hàng chục năm trước, khác biệt hẳn ngày thường. Thời điểm thích hợp nhất cho chuyến tham quan này là sáng mùng 1, mùng 2 khi những người dân ở tỉnh tạm rời thủ đô để về quê ăn Tết. Ảnh: Giang Huy.
Xin chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám
Hội chữ xuân Kỷ Hợi và triển lãm thư pháp với chủ đề “Văn hiến” năm nay diễn ra từ 24 tháng Chạp đến 13 tháng Giêng (29/1-17/2). Ngoài các ông đồ Hà Nội còn có những ông đồ đến từ nhiều tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Huế… Không gian Hội chữ Xuân được phân thành các khu vực bao gồm sân khấu, làng nghề truyền thống, thư pháp, chợ phiên ẩm thực và triển lãm ảnh. Các hoạt động chủ yếu diễn ra ở hồ Văn, đối diện Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Ngọc Thành.
Chụp ảnh tại phố bích họa Phùng Hưng
Phố bích họa là đoạn đường kéo dài từ ngã ba Phùng Hưng - Hàng Mã đến chợ hoa Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm. Đoạn phố với 17 vòm cầu cũ kỹ được các họa sĩ vẽ tranh về bách hóa tổng hợp, người phụ nữ bán hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ cho chữ… tạo ra một không gian gợi nhớ về Hà Nội thời trước. Người dân và du khách vào tham quan, chụp hình miễn phí, nếu đi xe có thể gửi ở đoạn Phùng Hưng giao Lý Nam Đế. Ảnh: Giang Huy.
Đi lễ chùa Trấn Quốc
Nằm trên một bán đảo cạnh đường Thanh Niên, Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với tuổi đời 1.500 năm. Đây từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý, Trần. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử như bộ tượng thờ ở Thượng Điện, đặc biệt là pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Thời điểm Tết Nguyên đán, đây là một trong những điểm đến phổ biến nhất Hà Nội khi rất đông người dân thủ đô, Phật tử và du khách thập phương tới dâng hương và vãn cảnh hồ Tây. Các trang web Daily Mail, Thrillist vào năm 2016 đều xếp hạng chùa Trấn Quốc vào danh sách những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Ảnh: Etripster.
Tham quan Hoàng thành Thăng Long
Đây là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hoạt động văn hóa truyền thống tại khu vực này với chủ đề “Hoàng thành Thăng Long, điểm đến di sản mùa xuân 2019”.
Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động như nghênh rồng đón xuân, xin chữ thư pháp, triển lãm mô hình nấu rượu hoa tiến vua, gian hàng tái hiện Tết thời bao cấp… Thời gian tham quan tại đây từ 8h đến 17h. Sự kiện diễn ra liên tục trong các ngày từ 21 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng (26/1 - 13/2), trừ ba ngày 29, 30 tháng Chạp và mùng 1 tháng Giêng (3,4,5/2). Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, vé vào cửa có giá 30.000 đồng một người lớn và 15.000 với học sinh, sinh viên, người cao tuổi… Ảnh: Ngọc Thành.
Chụp ảnh tại thung lũng hoa hồ Tây
Thung lũng hoa nằm trên đường Nhật Chiêu, cạnh Hồ Tây (Hà Nội) là nơi hội tụ nhiều giống hoa với đủ các màu sắc được trồng theo mùa. Tại đây có hàng chục loại hoa khoe sắc trên diện tích 70.000 m2 như ngọc thảo, dạ yến, phong lữ… Điểm đến này thu hút rất đông khách tham quan, cao điểm có thể lên đến cả nghìn người mỗi ngày với giá vé vào cửa 80.000 đồng. Ảnh: Ngọc Thành.
Khám phá vườn hoa Nhật Tân
Một trong những điểm đến đông đúc nhất ở Hà Nội vào tất cả các mùa là vườn hoa Nhật Tân. Tại đây, ngoài nghề trồng đào truyền thống, các chủ vườn canh tác nhiều loại hoa theo mùa, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của khách. Nhiều chủ vườn cải tạo khu đất, bán vé tham quan và những luống hoa trở thành địa điểm chụp ảnh rất được ưa chuộng. Những vườn hoa gần đường chính có giá vé từ 30.000 đến 50.000 đồng một người. Các ruộng hoa nhỏ, nằm ở sâu hơn trong làng Nhật Tân, có giá vào rẻ hơn: 20.000 đồng. Ảnh: Nam Chấy.
Dạo chơi trong các trung tâm thương mại
Các trung tâm mang đến nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách mọi thời điểm trong năm. Các tổ hợp có diện tích rộng, là nơi diễn ra nhiều sự kiện trong suốt cả năm. Khi đến dịp lễ, Tết, tại đây còn có những công trình trang trí cầu kỳ và lộng lẫy, rất phù hợp với du khách thích check-in. Ảnh: Vinhomes.