Nếu bạn đến Đài Loan với mong muốn nhìn thấy những kiến trúc hiện đại, cầu kỳ, bạn sẽ chưng hửng trước những chung cư có phần sương gió. Nếu bạn nghĩ dân xứ Đài sành điệu như trên phim thần tượng, bạn sẽ ngạc nhiên trước kiểu ăn mặc có phần xuề xòa…
Đừng mơ chi chuyện hoành tráng bởi những điều nho nhỏ cũng đã đủ vui rồi!
Người Đài dễ thương
Tốt bụng, dễ chịu, chu đáo… là những tính từ rất phù hợp để mô tả dân Đài Loan. Đừng ngại mở lời, cứ nói (hay cứ “quơ”), người Đài sẽ nhiệt tình giúp bạn. Như cái cô quản lý khách sạn ở Cao Hùng, dù tiếng Anh của cô có chút “hãi hùng” nhưng sau khi dán mắt cùng chúng tôi xem bản đồ, cô bật ngón tay cái cam đoan: “Tôi ở đây suốt, muốn đi đâu cứ hỏi tôi”.
Ông chú này thấy chúng tôi cầm bản đồ ngó nghiêng liền ra tay nghĩa hiệp
Chú tài xế xe buýt tuyến 88 chở tôi đi tới khu An Bình (Anping) ở Đài Nam cũng rất đáng mến. Nhiều trang du lịch khuyên nên hạn chế đi xe buýt ở Đài Loan nếu không biết tiếng Hoa. Vậy mà chú tài xế này kiên nhẫn nghe tôi phát âm ngắc ngứ nơi cần đến, đợi tôi đếm đủ mớ tiền xu mua vé và không quên gọi to nhắc chúng tôi xuống xe.
Đi lại ở Đài Loan rất thuận tiện nhờ hệ thống xe lửa nối các địa phương. Nếu ra ga mà thấy hoa mắt giữa “rừng” giờ tàu, loại tàu, cứ việc tìm quầy thông tin. Có thể sẽ mất chút thời gian để hiểu nhau nhưng kiểu gì họ cũng sẽ tìm được cho bạn chuyến tàu phù hợp. Các nhân viên ở nhà ga huyện Gia Nghĩa và TP Cao Hùng thậm chí còn lấy giấy bút liệt kê giờ chạy, giá tiền từng loại tàu cho chúng tôi lựa chọn.
Sự chu đáo của người Đài Loan thể hiện qua căn phòng nhỏ để mẹ cho con bú. Ảnh chụp ở Xích Khảm Lầu tại Đài Nam, trong phòng có cả máy hâm sữa
“Điểm trừ” lớn nhất
Đó là tiếng Anh! Thực lòng mà nói, không biết do tôi thiếu may mắn hay dân Đài Loan thật sự “kỵ” tiếng Anh mà mấy ngày ở hòn đảo này, tôi… hơi mỏi tay và lắm phen thấy bất lực – đặc biệt là khi đang đói meo mà chịu chết không biết gọi món như thế nào.
Có lần ở khách sạn tại Cao Hùng, do trời mưa bão nên nước ngấm theo đường cửa sổ vào phòng, tôi gọi cho tiếp tân nhờ họ lên lau. Kết quả, họ mang lên cho tôi thêm… 2 chai nước.
Dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam tại TP Đài Nam
Khi mới tới Đài Nam, tôi chủ ý chọn mấy bạn trẻ trẻ bắt chuyện khi cần hỏi gì đó. Kết quả, người đầu tiên không cười trừ nhìn tôi rồi trả lời bằng tiếng Hoa là… một chú tóc bạc ngồi ở quầy thông tin của nhà ga Đài Nam.
Sau này, khi tới ga Cao Hùng, tôi gặp được một một cô sinh viên nói tiếng Anh lưu loát (cũng ở quầy thông tin). Hỏi cô sao người trẻ Đài Loan ít biết tiếng Anh, cô tỏ vẻ ngạc nhiên bảo cả lớp cô đều nói được và riêng cô học tiếng Anh từ năm 2 tuổi!
Nhưng ngay cả trong “điểm trừ” này cũng toát lên sự đáng mến của người Đài Loan. Họ không nói được tiếng Anh thì họ dẫn bạn ra đường và chỉ lối đi cẩn thận. Còn nhớ khi ở Đài Nam, tôi hỏi anh chủ quán đậu hũ cách đi đến khu An Bình, anh ngắc ngứ một hồi, chỉ nói đại khái là bắt xe buýt số 88 gần Xích Khảm Lầu (một điểm du lịch nổi tiếng).
Không ngờ sau đó anh quay trở ra, cầm theo giấy bút, vẽ cho tôi vị trí hiện tại và cách đi đến trạm xe buýt. Tại trạm, tôi vớ trúng một cô gái vừa tốt nghiệp đại học, nói tiếng Anh kha khá. Mặc trời nắng chói chang, cô kiên nhẫn kiểm tra giùm giờ xe buýt và dạy tôi cách phát âm những nơi cần đến để nói lại với bác tài.
Tại miếu Nguyệt lão trong đền Thiên hậu ở Đài Nam có rất nhiều ảnh của các cặp đôi nên duyên
Không sợ chết đói ở Đài Loan…
…Chỉ là có thể không biết mình đang ăn gì! Tình cảnh này xảy ra thường xuyên trong 5 này rưỡi tôi lưu lại Đài Loan.
Rất dễ bắt gặp hàng quán ở xứ Đài Loan. Món ăn theo tôi là cũng hợp khẩu vị dân Việt. Nếu bạn có dự tính đi chợ đêm thì đừng ăn gì trước đó, nếu không khi ra tới chợ sẽ tiếc là không đủ bụng để chứa các món ngon vật lạ.
Lỡ không hợp miệng thì bạn cứ cửa hàng tiện lợi mà vào, mấy món thông dụng đều có cả, lại mở cửa 24/24. Đặc biệt, ở đây ra ngõ là đụng trà sữa, đủ loại hương vị, các bạn hảo ngọt tha hồ thưởng thức.
Một cửa hàng bánh ở Đài Nam, có bán nhiều loại bánh trung thu
Hàng quán san sát trên đường phố Đài Nam. Họ vẫn giữ lối đi cho khách trong lúc buôn bán nhộn nhịp
Khổ nỗi đồ ăn thức uống đều được ghi tên, yết giá bằng tiếng Hoa, tìm đỏ mắt mới có tiệm “chua” thêm tiếng Anh cho khách. Do đó, chúng tôi thường xuyên phải “nhìn hình đoán món”, đoán không ra thì… ăn đại.
Còn nhớ hôm siêu bão Meranti “tưới” Cao Hùng ướt sũng, tôi trở về khu trung tâm sau khi suýt bị mắc kẹt ở đào Cijin (Kỳ Tân). Vừa mệt vừa đói, trời mưa mờ mịt, chúng tôi lội bộ tấp vào một quán lẩu khá lớn và… vật lộn với nhân viên để tìm hiểu các món ăn. Các bạn phục vụ rất dễ thương, chỉ biết cười trừ xin lỗi liên tục vì không nói được tiếng Anh. Bí quá, tôi xông luôn vào bếp của họ, “nhất dương chỉ” để chọn món cho nhanh.
Chợ đêm Liouhe (Lục Hợp) ở TP Cao Hùng vẫn tấp nập vào tối 13-9 dù cơn bão Meranti lúc đó tiến khá gần khiến trời mưa lâm râm
Người Đài Loan hay mang dù theo người và che dù ngồi ăn là chuyện thường
Món đậu hũ thúi trứ danh
Tôm to tướng
Các món ăn xứ Đài khá mỡ màng
Hải sản tại chợ đêm Lục Hợp
Đàn ông đi chợ, người già làm việc
Thành thực mà nói, tôi thấy ngoại hình dân Đài không đẹp lắm, dáng thô, đầy đặn và không cao. Ăn uống ở đây mấy ngày, tôi nghiệm ra một phần có thể do chế độ dinh dưỡng: Họ ăn thức ăn nhanh khá nhiều, cũng hay nạp các món chiên, xào đầy dầu mỡ cũng như uống đồ ngọt…
Người dân Đài Loan ăn mặc khá xuề xòa
Dân Đài Loan đi đâu cũng thấy cầm theo dù. Họ ưa mang giày thể thao và mặc trang phục thoải mái, không quá cầu kỳ. Đi chợ ở Đài Loan, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh đàn ông cắp giỏ đi chợ hay đứng sau quầy sạp. Người lớn tuổi làm công việc dọn dẹp vệ sinh ở Đài Loan cũng khá phổ biến.
Mua sắm ở Đài Loan có cảm giác yên tâm, không sợ bị “chặt chém”. Giá cả cũng có khác biệt tùy nơi nhưng không có chuyện chênh lệch quá nhiều.
Chị Thanh Thủy, một cô dâu Việt làm tình nguyện viên tại sân bay Đài Nam, tiết lộ người Đài Loan không nói thách, khỏi phải cò kè. “Họ chỉ nói giá cao hơn chút đỉnh khi gặp người Trung Quốc thôi. Lý do là vì người Trung Quốc lúc nào cũng trả giá” – chị Thủy kể.
Vừa bán hàng vừa lướt máy tính bảng
Chú bán bánh cười tươi rói
Chú bán thịt này đã hướng dẫn chúng tôi vứt rác đúng theo phân loại
“Tiểu cảnh” trước hiên nhà
Tôi thích cây hoa lá cành nên đi đâu cũng hay để ý khoản này. Nhờ vậy mà nhận ra phía trước nhà của người Đài Loan – nhà phố hay chung cư cũng vậy – thường có những cụm chậu cây nhỏ nhìn rất hay ho.
Bệ cửa sổ một ngôi nhà ở khu An Bình, Đài Nam
Ngôi nhà đáng yêu trên đường tới An Bình, Đài Nam
Hàng quán buôn bán rất trật tự
Hầu như nhà nào cũng dành chỗ cho chậu cây phía trước
"Tiểu cảnh" bên trong đầu xe lửa ở Fenchihu (Phấn Khởi Hồ), Gia Nghĩa
Ở Fenchihu
Có thể cũ nhưng không thể dơ
Bất cứ nhà vệ sinh nào ở Đài Loan tôi từng ghé vào đều không hề có mùi hôi hay giấy rác vương vãi trên sàn! Các bạn khoan trách tôi nói chuyện kỳ cục, bởi thật sự rất ấn tượng khi nhà vệ sinh công cộng có vẻ cũ kỹ ở nhà ga, bến xe mà lại vừa sạch, vừa mát, không khi nào thiếu giấy và khỏi phải nín thở khi bước vào.
Chợ cũng sạch, bất kể là chợ ban ngày bán thịt cá, rau củ hay chợ đêm bán đủ thứ từ đồ ăn, thức uống tới quần áo, mỹ phẩm… Ở Cao Hùng, tôi đi chợ đêm Lục Hợp, hàng quán san sát kéo dài suốt con đường, giữa đường họ kê bàn ghế để khách ngồi ăn uống. Nào chén giấy, ly nhựa, chai lọ, ống hút… nhưng tịnh không ai vứt xuống đất mà tìm đến những thùng rác lớn đặt giữa đường. Phân loại rác là chuyện thường ngày ở đây và nếu bạn lúng túng trước các loại thùng rác đặt kế nhau, người Đài Loan sẵn sàng chỉ dẫn.
Những nơi tôi đi qua như Đài Nam, Cao Hùng, Gia Nghĩa có khá nhiều chung cư cũ, chứ không phải những tòa nhà mới toanh đang mọc lên không kịp đếm như ở Sài Gòn. Cũ thì có cũ nhưng rất sạch sẽ.
Một con hẻm nhỏ ở Đài Nam với tranh vẽ trên tường
Ở Cao Hùng có cả đường "Váy cưới" và "Bánh cưới"
Xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến của học sinh Đài Loan
Hôm đầu tiên đi từ sân bay về khách sạn, tôi ngạc nhiên khi thấy xe máy, xe đạp dựng đầy vỉa hè – dĩ nhiên là theo hàng lối đàng hoàng. Chị Thủy, cô dâu Việt ở Đài Nam, bảo xe dựng ở những bãi lộ thiên này không sợ mất