Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipitaks cho rằng báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của WEF là "lỗi thời và không công bằng", đồng thời không phản ánh được tình hình cải thiện gần đây. Người này phủ nhận Thái Lan không an toàn đối với du khách.
Báo cáo năm 2017 của WEF xếp Thái Lan ở vị trí 118/136 quốc gia, với vỏn vẹn 4 điểm về an toàn du lịch và an ninh.
Khách du lịch nước ngoài tại Thái Lan. Ảnh: AP
"WEF thừa nhận một số thông tin đã lỗi thời, một số thông tin không chính xác vì chúng được thu thập bằng cách sử dụng bảng câu hỏi. WEF cam kết sẽ cải thiện phương pháp xếp hạng bằng cách sử dụng số liệu thống kê từ các nguồn quốc tế đáng tin cậy và giảm việc sử dụng câu hỏi khảo sát" - bà Busadee nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết các đại diện nước này tại trụ sở Liên Hiệp Quốc đã liên lạc với giới chức trách WEF để kiểm tra phương pháp được sử dụng trong bảng xếp hạng.
Báo cáo nêu chi tiết mức độ rủi ro đặt ra đối với khách du lịch và doanh nghiệp, có tính đến khả năng bạo lực và khủng bố trong bảng đánh giá. Báo cáo của WEF cũng chỉ ra các tỉnh miền nam Thái Lan như Pattani, Yala và Narathiwat là "điểm nóng" bất ổn.
Theo báo The Nation, trong khi đó, các tổ chức quốc tế khác như Master Card, Expat Insider và US News & World Report đánh giá Thái Lan là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu.
Hồi năm ngoái, gần 30 triệu du khách đến Thái Lan, giúp nước này thu về 44,5 tỉ USD. Thái Lan phần lớn dựa vào du lịch để phát triển kinh tế đất nước.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines bị xem là quốc gia nguy hiểm nhất, đứng hạng 126/136 quốc gia trong bảng xếp hạng trong khi Singapore là đất nước an toàn nhất - ở vị trí thứ 6.
Trong danh sách này, Việt Nam xếp thứ 67 toàn cầu, tăng 8 bậc. Động lực chính cho sự tăng hạng này nằm ở khung cảnh thiên nhiên (được xếp hạng 34), tài nguyên văn hoá (hạng 30) và giá cả cạnh tranh (hạng 35).