Bộ lạc Tlingit và Haida là những cộng đồng ngư dân sinh sống ở vùng đất hẻo lánh dọc miền Đông Nam bang Alaska - Mỹ và một phần phía Tây Canada trong hơn 10.000 năm qua.
Điều đặc biệt của những bộ lạc này là họ có tập tục thể hiện sự biết ơn rất đáng ngạc nhiên và gần như không thể tưởng tượng được trong thời đại hiện nay, một thứ có thể dạy cho chúng ta rất nhiều điều về sự hào phóng. Đó chính là cho đi mọi thứ đến khi bạn gần như không còn giữ lại gì.
Những buổi lễ long trọng, được gọi là ku.éex’, đã tồn tại trong cuộc sống của họ qua hàng ngàn năm và được kỷ niệm bằng những bữa tiệc thịnh soạn, những bài hát và tập tục tặng phẩm. Trong nền văn hóa lâu đời này, gia chủ thường mở tiệc chiêu đãi hàng trăm vị khách và còn cho đi một số lượng lớn tiền bạc lẫn quà tặng, ví dụ như chăn mền, xuồng, máy khâu, v.v..., mà họ đã tích cóp trong cả năm.
Nơi sinh sống của các bộ lạc tại bang Alaska. Ảnh: Cat Perry
Nhưng khi các nhà truyền giáo và người ngoài chứng kiến những sự kiện xa hoa, trang trọng này, họ lại cho rằng đó là sự lãng phí. Đối với họ, đây không phải là cách định giá tài sản thông thường mà là một rào cản của sự đồng hóa.
Vào năm 1867, ngoài việc bị luật pháp liên bang cấm đoán, tập tục tặng phẩm của các bộ lạc ở Alaska còn bị chính quyền dân sự và nhà truyền giáo của Mỹ phản đối. Không những vậy, các tộc trưởng và những nữ quý tộc còn bị giam cầm trong khi nhà ở và lễ vật của họ hoặc bị đốt cháy hoặc bị đưa đến các bảo tàng ở Mỹ và Canada.
Mặc dù lệnh cấm kéo dài đến tận năm 1951 nhưng may mắn thay, phong tục phóng khoáng này chưa bao giờ bị mai một. Ngày nay, lễ ku.éex’ thường kéo dài trong 2-3 ngày và được tổ chức vào mùa thu, cuối mùa đánh cá.
Tổng cộng có khoảng 30 lễ ku.éex’ được tổ chức hằng năm dọc theo khu vực Đông Nam Alaska. Một số người ước tính rằng tổng giá trị của những món quà và tiền bạc trao đổi qua lại giữa các thành viên của bộ lạc lên tới 2 triệu USD mỗi năm.
Mỗi năm, tổng số giá trị quà tặng mà họ cho đi lên tới 2 triệu USD. Ảnh: Alamy
Thông thường, một bữa tiệc ku.éex’ truyền thống bao gồm món ốc măng tây giòn rụm, cơm rong biển cùng hàng chục đĩa cá hồi và cá bơn xông khói. Các món cá được sắp xếp theo hình dạng của một chiếc bánh và được phủ kem chua cùng hẹ tây. Ngoài ra, chủ nhà còn hào phóng xếp đầy một hộp cá bơn ăn cùng sốt mayonnaise, tiêu chanh và tỏi, thể hiện một mùa đánh bắt bội thu.
Món tráng miệng thường là bánh nhân quả dâu dại, được làm từ những trái mâm xôi và việt quất thơm ngon của địa phương.Điều đặc biệt là tất cả những món ăn trên đều được chính tay gia chủ chọn lựa hoặc đánh bắt rồi chuẩn bị, từ ốc măng tây, rong biển và các loại hoa quả, để thể hiện lòng hiếu khách.
Bữa tiệc ku.éex’ truyền thống được làm hoàn toàn từ thực phẩm địa phương. Ảnh: Cat Perry
Ông Rosita Kaa háni Worl, chủ tịch Viện Di sản Sealaska, một tổ chức bảo tồn văn hóa, sáng tạo, ủng hộ và giáo dục cho các nghệ sĩ Alaska bản xứ, giải thích về nguồn gốc của tập tục tặng phẩm như sau: "Chúng tôi sống trong một vùng đất tuyệt đẹp có thể dễ dàng khiến bất kỳ ai ngạc nhiên. Đó là một khu rừng nhiệt đới đầy sức sống và nguồn tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi đến từ đại dương, đặc biệt là cá hồi, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu. Cây cối thì cung cấp gỗ cho nghệ thuật xây tượng đài, nhà ở và xuồng để chúng tôi có thể thực hiện những chuyến đi xa đến tận bang Oregon và khu vực phía Bắc".
Nói một cách ngắn gọn thì những bữa tiệc hào phóng trên là cả một sự gắn kết về kinh tế, xã hội, tôn giáo và chính trị. Theo như ông Worl thì chúng "đưa những bộ lạc đối nghịch xích lại gần nhau và tạo ra sự cân bằng giữa các hội nhóm, gia tộc, dòng họ và tổ tiên của chúng tôi. Các buổi lễ duy trì sự hòa hợp trong cấu trúc xã hội phức tạp của chúng tôi và đó là điều cực kỳ quan trọng".
Các bộ lạc tại đây sống với phương châm: Cho đi đến khi bạn gần như không còn lại gì. Ảnh: Alamy