Sâu trong một quần đảo trên biển Andaman, dọc theo bờ biển phía Tây Thái Lan, có một bộ tộc người Moken. Những đứa trẻ thuộc bộ tộc này dành phần lớn thời gian trong ngày dưới biển. Chúng bơi lặn để tìm kiếm thức ăn và dễ dàng thích nghi nhờ vào khả năng nhìn được dưới nước.
Tất nhiên, những đứa trẻ Moken cũng phải trải qua tập luyện mới có được khả năng này. Chỉ khác là chúng không mất nhiều thời gian như những đứa trẻ khác.
Năm 1999, nhà nghiên cứu Anna Gislen đến từ Trường ĐH Lund (Thụy Điển), tiến hành một cuộc điều tra về khả năng quan sát của con người. Đồng nghiệp của Gislen gợi ý bà có thể tìm hiểu những khía cạnh độc đáo của bộ tộc Moken. Bà Gislen nhớ lại: “Tôi đã ngồi trong phòng thí nghiệm tối tăm suốt 3 tháng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tại sao mình không đi đến châu Á”.
Sau khi quyết định, bà Gislen cùng cô con gái 6 tuổi đi du lịch đến Thái Lan. Họ hòa mình vào cộng đồng người Moken – hay sống trong những ngôi nhà sàn dọc theo bãi biển. Khi thủy triều lên, những đứa trẻ Moken ùa xuống biển lặn tìm thức ăn. “Mắt chúng mở to, bắt sò, ốc và hải sâm không gặp vấn đề gì cả” - bà Gislen kinh ngạc.
Khi được người phụ nữ gợi ý thử khả năng quan sát dưới nước, đám trẻ Moken hào hứng tham gia vì chúng nghĩ đó là một trò chơi thú vị. Ban đầu, những đứa trẻ phải lặn xuống nước. Chúng sẽ nhìn lên một tấm bảng có dòng kẻ ngang hoặc dọc ở trên bờ. Khi trồi lên mặt nước, chúng phải trả lời dòng kẻ nằm ngang hay dọc.
Mỗi lần lặn xuống, dòng kẻ được vẽ nhỏ hơn để khó quan sát hơn. Kết quả, bà Gislen cho biết khả năng nhìn dưới nước của trẻ em Moken rõ gấp 2 lần so với trẻ em châu Âu trong cùng bài thử nghiệm.
Về lý thuyết, để nhìn thấy những gì trên mặt đất, con người phải để khúc xạ ánh sáng vào võng mạc. Võng mạc nằm ở phần sau của mắt, chứa các tế bào chuyên biệt. Nó giúp chuyển đổi các tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện mà bộ não chúng ta diễn giải như hình ảnh. Ánh sáng bị khúc xạ khi chiếu vào mắt người vì giác mạc bên ngoài chứa nước.
Khi mắt bị ngâm trong nước – vốn có mật độ giống như giác mạc – khả năng khúc xạ của giác mạc gần như mất đi khiến hình ảnh bị mờ. Bà Gislen tin rằng mắt của những đứa trẻ Moken đã thay đổi cách thức hoạt động hoặc chúng học được cách sử dụng đôi mắt dưới nước.
Giả thuyết đầu tiên có thể bị loại trừ bởi nếu thay đổi, mắt của bọn trẻ sẽ không thể nhìn rõ trên mặt đất. Một bài kiểm tra khác của bà Gislen đã chứng minh khả năng nhìn trên đất liền của những đứa trẻ Moken tương đương với trẻ em châu Âu.
Có hai cách để chúng ta cải thiện tầm nhìn: thay đổi hình dạng thủy tinh thể hoặc làm đồng tử nhỏ đi, qua đó giúp tăng độ sâu trường ảnh. Kích thước đồng tử có thể đo đạc một cách dễ dàng. Những đứa trẻ Moken sở hữu khả năng thu nhỏ đồng tử xuống mức tối đa – được xem là giới hạn mà mắt người có thể đạt tới.
Nhưng chỉ riêng điều này không đủ để giải thích khả năng quan sát dưới nước vượt trội của những đứa trẻ Moken. Bà Gislen sau đó kết luận thủy tinh thể cũng góp phần cải thiện tầm nhìn của bọn trẻ. “Trẻ em Moken có thể làm cả hai – thu nhỏ đồng tử và thay đổi hình dạng thủy tinh thể. Hải cẩu và cá heo có khả năng thích nghi tương tự” – bà Gislen cho biết.
Trong bài thử nghiệm đối với một số người trưởng thành Moken, khả năng nhìn dưới nước của bọn họ không bằng trẻ em trong bộ tộc. Vì vậy, họ thường tìm kiếm thức ăn trên mặt nước. “Khi chúng ta già đi, thủy tinh thể trở nên ít linh hoạt. Do vậy, những người trưởng thành Moken mất khả năng điều tiết dưới nước” – bà Gislen giải thích.
Để tìm hiểu xem những đứa trẻ Moken có phải được thừa hưởng khả năng nhìn dưới nước từ cha ông mình để lại hay nhờ luyện tập, bà Gislen đề nghị một nhóm trẻ em châu Âu đang trong kỳ nghỉ ở Thái Lan và một nhóm trẻ em ở Thụy Điển tham gia bài thử nghiệm nhìn đường kẻ ngang – dọc nói trên. Qua 1 tháng, thị lực trong điều kiện dưới nước của hai nhóm trẻ này đã bằng với những đứa trẻ Moken.
Tuy nhiên, trẻ em châu Âu sau nhiều lần lặn xuống nước đã gặp tình trạng mắt đỏ vì bị kích thích bởi muối biển. Trong khi đó, những đứa trẻ Moken dường như không gặp phải vấn đề này.
Gần đây, bà Gislen trở lại Thái Lan và đến thăm bộ lạc Moken nhưng mọi thứ đã thay đổi. Năm 2004, động đất kéo theo sóng thần ở Ấn Độ Dương đã phá hủy phần lớn quê hương của người Moken. Kể từ đó, chính phủ Thái Lan tìm cách di dời họ vào trong đất liền, xây dựng nhà ở trong nội địa và trưng dụng một số thành viên bộ tộc làm việc trong các công viên quốc gia.
“Thật khó khăn. Bạn muốn giúp họ được an toàn và cung cấp cho họ những thứ tốt nhất của nền văn hóa hiện đại, nhưng làm như vậy họ sẽ mất đi nét văn hóa riêng” - bà Gislen lo ngại.
Trong báo cáo chưa được công bố, những đứa trẻ Moken từng tham gia bài kiểm tra của bà Gislen – hiện đã bước vào tuổi thiếu niên – vẫn duy trì khả năng nhìn rõ dưới nước. Đây có thể là những đứa trẻ cuối cùng của bộ tộc sở hữu khả năng này vì người Moken giờ đây không còn gắn bó thân thiết với biển cả.