Mấy đứa bạn thời phổ thông rủ rê dịp lễ này về quê ghé thị trấn nhỏ thăm ngôi trường thời cấp ba, sẵn dịp dạo quanh một vòng chợ tìm lại mấy món ăn vặt, làm mê mẫn bao thế hệ học sinh nơi đây. Chỉ vừa nhắc đến thôi đã khiến tôi lên cơn thèm da diết, mong mau đến ngày nghỉ kéo nhau về “oanh tạc” một bữa cho thỏa thích.
Đầu tiên phải nhắc đến là món bánh tằm bì: Đây không phải là loại bánh tằm bì sợi tròn ngắn ngắn cỡ như con tằm mà nhiều người biết đâu nhé, tôi đi nhiều nơi kể cả Sài Gòn nhưng chưa hề thấy bán, có lẽ là “đặc sản” của vùng này. Cọng bánh nhỏ chỉ như sợi bún thôi nhưng khô ráo và hơi rời rạc, người nhai sẽ cảm nhận được cái deo dẻo của bột bánh, thơm mùi đặc trưng chứ không có vị chua nhẹ như bún.
Bữa sáng ở quanh khu vực này có mấy người bán ngồi ở góc chợ, khách đến ăn ngồi lên chiếc ghế nhựa thấp chờ chứ không hề có bàn tươm tất đâu. Người bán xé tơi một ít bánh cho vào dĩa, thêm chút giá sống, vài lát dưa leo bằm và chút rau thơm xắt nhỏ, cùng một nhúm bì vàng ươm, chút mỡ hành, cuối cùng là chan miếng nước mắm tỏi chua ngọt ớt đỏ au vào và vài sợ cà rốt ngâm chua ngọt. Rất đơn giản, giá rẻ bèo phù hợp túi tiền học sinh xa nhà mà cực ngon, bởi cọng bì thơm lừng mùi thính khi nhai nghe dai dai, giòn giòn, cái béo béo của mỡ hành, vị mằn mằn chua ngọt cay xè của nước mắm, cái giòn mát lạnh giá và dưa leo, lẫn mùi thơm của các loại rau… tất cả hòa quyện vào nhau thành một hương vị là lạ, ăn hoài không thấy chán thực khách cứ thế mà vừa ăn vừa hít hà.
Kế đến là ly nước đá đậu, dân quê tôi ngày xưa gọi như vậy, sau này lên Sài Gòn tôi mới biết đó là món chè thập cẩm. Trong cái trưa hè nắng cháy những ngày này chỉ tưởng tượng đến ly chè mát lạnh, béo ngậy thơm lừng ngày đó là tôi muốn tươm nước miếng. Nhiều người nghe có thể nghĩ “tưởng gì mới mẻ món chè thập cẩm Sài Gòn bán đầy cần gì phải lặn lội về quê”.
Không hề, ly đá đậu ấy phải nói là ăn là ghiền ! Do các loại đậu trắng Đà Lạt và đậu đỏ được người bán nấu ninh mềm rồi sên với đường, khi ăn sẽ cảm nhận cái bùi ngọt của hạt đậu rất đã; còn đậu xanh vàng óng đánh nhuyễn hơi sền sệt béo ngậy nước cốt dừa, quyện hương thơm mùi sầu riêng... Khi thưởng thức chán chê cái mềm dẻo các loại đậu, múc một viên bột lọc trong veo nhai sần sật giòn giòn bởi hạt đậu phộng rang giòn nằm bên trong. Từng nét ngon riêng của các thành phần trong một ly chè mát lạnh, quyện lại với nhau tạo nên một hương vị khá hấp dẫn, khiến nó hút hết tiền quà vặt của bọn học trò thời ấy.
Còn một món nữa nếu không nhắc đến là một thiếu sót lớn, đó là dĩa chuối nướng nước cốt dừa, ngày trước buổi chiều tối có một cái quán bên bờ sông bán món này khá ngon, là nơi hẹn hò của bao cặp yêu nhau. Chuối dùng để chế biến là chuối xiêm loại hườm hườm, người ta lột vỏ, chẽ trái chuối làm đôi dùng dao bảng to đập cho miếng chuối dẹp ra. Rồi đặt lên bếp than hồng nướng lật qua lật lại đến khi miếng chuối chuyển từ màu trắng đục sang màu vàng ngà, bên ngoài giòn giòn thì lấy ra.
Cho chuối vào dĩa chan ngập nước cốt dừa thắng sền sệt. Những bữa tối trời mưa rả rích, cả đám rủ nhau ra quán ngồi dưới mái che, kêu dĩa chuối nướng nước cốt dừa nóng hổi thơm phức. Dưới cái se lạnh mà nhâm nhi từng miếng chuối deo dẻo, quyện cái béo ngấy ngọt liệm của nước cốt dừa, tuyệt vời làm sao!
Tất cả những món này đều phổ biến ở miền Tây đấy! Dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp đến, các bạn có kế hoạch cho kỳ nghỉ của gia đình mình chưa? Nếu chưa hãy thực hiện một chuyến du lịch về vùng này nhé, để cùng khám phá thưởng thức những món mà chúng tôi vừa kể, thử xem các bạn có cảm nhận được cái ngon như người dân địa phương chúng tôi không nào.
Chúc các bạn có những ngày nghỉ thật thú vị.
Huệ Thy