Người phụ nữ 29 tuổi đã bay tới thủ đô Stockholm – Thụy Điển vào tháng 6-2015 và lên kế hoạch xem có thể đi xa đến đâu. Cuối cùng, hơn 1 năm sau, cô về đến quê nhà là thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia vào tháng 7-2016 sau khi đi nhờ xe qua 22 nước.
Lộ trình dẫn dắt Petrina từ Thụy Điển đi ngang qua châu Âu, qua Đan Mạch, Đức, Ba Lan đến vùng Baltic. Sau đó, cô đi qua Albania, Kosovo và Bulgaria tới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, cô tiếp tục hành trình tới Iran, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan và cuối cùng là Malaysia.
Nữ nhà văn tự do mô tả chuyến đi này là một “thử thách bản thân”. “Khi bay đến Stochkholm năm ngoái, tôi có ý định trải nghiệm cảm giác quá giang vì tôi không tưởng tượng ra được hành vi thực hiện nó. Tôi nghĩ tôi có thể đi từ 3 tới 6 tháng, tùy thuộc vào việc tôi có thể sống được bao lâu với 200 USD trong túi” – cô Thong trả lời phỏng vấn báo Daily Mail.
Sau 3 tháng, cô Thong đã tiêu hết tiền. Sau đó, người phụ nữ liều lĩnh này quyết định trải nghiệm một thử thách mới: du lịch mà không có tiền hay kế hoạch.
Cô Petrina Thong trên đường từ Thụy Điển tới Malaysia. Ảnh: Petrina Thong
“Tôi đứng bên đường và vẫy xe. Xe đi đâu, tôi đi theo đó. Khi đến nơi, tôi để cho thiên nhiên quyết định nơi mình ăn và ngủ. Về thức ăn, tôi đào bới trong thùng rác, đi vòng quanh các tiệm ăn và nhặt lấy những thứ người khác bỏ lại hay hỏi xin các siêu thị những trái cây không bán được. Khi trời tối, tôi tìm chỗ để dựng lều ngủ hoặc được người lạ mời về nhà” – cô Thong kể về chuyến du lịch khó tin.
Theo cô, mặc dù rất nhiều người sợ đi du lịch theo kiểu quá giang, đặc biệt là phụ nữ, nhưng cô đã gặp rất nhiều người tốt bụng và thú vị. Tuy vậy, vẫn có vài khoảnh khắc đáng sợ khi cô Thong phải vượt biên từ Iran tới Pakistan xuyên qua tỉnh Balochistan, vốn khá nguy hiểm.
“Do có vài trường hợp du khách bị bắt cóc, tôi không được phép đi một mình. Từ biên giới Iran, tôi phải đi xe cảnh sát. Khi đến trạm kiểm soát đầu tiên, tôi bị chuyển sang một chiếc xe tải cảnh sát khác rồi tới điểm tiếp theo” – cô Thong kể về giai đoạn căng thẳng nhất của chuyến đi khi phải liên tục di chuyển bằng xe cảnh sát.
Cô được những người hoàn toàn xa lạ mời về nhà ngủ hay giúp đỡ vô điều kiện. Ảnh: Petrina Thong
Cô Thong kể rằng sau khi đi qua châu Âu và đến Trung Đông, châu Á, có rất nhiều người hỏi tại sao cô lại đi du lịch một mình. “Tôi liên tục bị hỏi rằng: ‘Sao cô lại đi một mình? Chồng/bạn trai/anh trai/cha mẹ đâu? Cô không sợ à? Cô không thấy cô đơn à?’ Tại châu Á, việc một người đi du lịch 1 mình không phổ biến lắm, đặc biệt là với phụ nữ”.
Sau khi trở về và nhớ lại chuyến đi, cô Thong rất khuyến khích những phụ nữ khác trải nghiệm hình thức du lịch này. “Tôi dự đoán nó sẽ là một hành trình cực kỳ khó khăn nhưng khi nhìn lại, nó không tệ đến mức ấy. Tất nhiên, vẫn có những giây phút tôi tự hỏi mình đang làm cái quái gì và sao lại để bản thân trải qua những thử thách như thế. Nhưng tôi đã có một cái nhìn mới về thế giới” – cô Thong chia sẻ.
“Bài học tuyệt vời nhất là thế giới hay những điều chưa biết không đáng sợ như bạn nghĩ. Mọi người đều rất tốt bụng và sẵn lòng giúp đỡ. Giờ tôi biết rằng kể cả khi tôi bị lạc ở một đất nước xa lạ với rào cản ngôn ngữ và không có tiền, mọi chuyện sẽ vẫn ổn” – cô Thong tự tin nói.
Chuyến du lịch qua 22 nước chỉ tốn 200 USD của người phụ nữ 29 tuổi. Ảnh: Petrina Thong