Bánh chưng, Việt Nam: Bánh chưng là loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên hay trong mâm cỗ của mỗi gia đình người Việt vào mỗi dịp tết đến xuân về. Nguyên liệu chủ yếu của bánh chưng bao gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và được gói bằng lá dong sau đó được đem đi luộc chín. Món bánh này được biến tấu thành bánh tét ở khu vực miền Nam. Ảnh: Vũ Minh Quân - Việt Hùng.
Bánh buuz, Mông Cổ: Tết cổ truyền ở Mông Cổ có tên gọi là Tsagaan Sar (Tết Tháng Trắng). Vào dịp này, ngoài những món ăn làm từ thịt cừu, thịt ngựa, bất cứ gia đình nào cũng sẽ làm món bánh buuz. Hình dáng bên ngoài bánh khá giống bánh bao, nhưng có vỏ làm bằng bột mì và nhân thịt cừu băm nhuyễn trộn hành tây. Ảnh: Altaaskitchen.
Bánh tteok, Hàn Quốc: Bánh tteok (bánh gạo) là một món ăn truyền thống gắn liền với đời sống của người dân Hàn Quốc trong tất cả các ngày lễ tết và ngày kỷ niệm trong năm. Bánh được làm từ gạo nếp và hấp chín. Bánh có nhiều cách chế biến, nhiều hương vị và hình dáng vô cùng bắt mắt. Ảnh: Orientalmart.
Bánh niên cao, Trung Quốc: Bánh niên cao được làm từ gạo nếp, bột mì, muối, nước và đường. Màu của đường tạo nên màu của bánh (trắng hoặc nâu). Người Trung Quốc ăn niên cao đầu năm, với mong muốn cả gia đình sẽ “kết dính, bền chặt” giống như chiếc bánh. Ngoài ra, trong Tết Nguyên đán, người Trung Quốc còn ăn mì trường thọ, sủi cảo, bánh bao... với ý nghĩa cầu mong may mắn. Ảnh: Wikihow.
Bánh tang yuan (bánh trôi tàu), Singapore: Ngoài những món ăn từ cá, bánh trôi tàu là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người Singapore, làm từ bột gạo và luộc chín, được tạo nhiều màu sắc và có nhiều loại nhân như đậu đỏ, vừng, trà xanh, khoai môn. Ảnh: Bakewithpaws.
Bánh mochi, Nhật Bản: Người Nhật đón năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Dương giống như phương Tây nhưng vẫn giữ lại nhiều phong tục truyền thống. Dịp Tết, mỗi gia đình người Nhật đều ăn bánh mochi, với ước nguyện một cuộc sống nhiều may mắn, đủ đầy, dồi dào sức khỏe và trường thọ. Bánh có nhiều loại nhân và hương vị khác nhau như trà xanh, đậu đỏ, ... Ảnh: Wordpress.