Theo báo cáo tài chính quý III/2016, NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này một phần nhờ trong quý III, lợi nhuận sau thuế của NH đạt hơn 330 tỉ đồng.
Cho vay khách hàng tăng mạnh, kinh doanh ngoại hối lãi lớn là những yếu tố giúp lợi nhuận NH này khả quan. Đại diện LienVietPostBank cho rằng với lợi nhuận 9 tháng đầu năm và triển vọng hoạt động tốt trong quý IV có thể giúp NH đảo chiều xu hướng suy giảm lợi nhuận trong 4 năm qua.
NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa báo lãi lớn trong quý III/2016 khi tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.864 tỉ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2015. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng giúp thu nhập từ lãi thuần tăng 21%, trong khi thu nhập từ các loại phí và hoạt động khác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ giúp lợi nhuận của Techcombank tăng mạnh.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho thấy các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Dù NH đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 2.600 tỉ đồng tính đến ngày 30-9 nhưng lợi nhuận trước thuế sau trích dự phòng rủi ro vẫn đạt 788,5 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Đồng thời, NH này cũng thu hồi được hơn 1.520 tỉ đồng nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu hiện ở mức 2,25%. Hoạt động tăng trưởng tín dụng của SHB tiếp tục tập trung cho vay các ngành nghề ít rủi ro, được nhà nước khuyến khích phát triển…
Trong khi đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính BIDV vừa công bố, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước khi trích dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III là hơn 4.908 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm ở mức rất cao với hơn 12.730 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6.972 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nên tổng lợi nhuận trước thuế của NH này chỉ còn 5.757 tỉ đồng.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là một trong những giải pháp được các NH thương mại áp dụng để xử lý nợ xấu thời gian qua. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), từ năm 2012 đến nay, các tổ chức tín dụng đã tự xử lý được 328.000 tỉ đồng, chiếm 59,8% tổng số nợ xấu đã được xử lý. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 141.886 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của nhiều NH thương mại.