Mặc dù ngành điện đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tuy nhiên nhiều vụ tai nạn điện dẫn đến chết người vẫn diễn ra.
Tai nạn chết người do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miê Nam (EVNSPC), trong 6 tháng đầu năm 2021, lưới điện tại 21 tỉnh, thành phía Nam do EVNSPC quản lý vận hành đã xảy ra 179 sự cố do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), làm thiệt hại về vật chất và người.
Trong số đó, có 24 vụ người dân bị phóng điện làm chết 9 người, bị thương nặng 14 người, bị thương nhẹ 3 người. Nguyên nhân chủ yếu do người dân vi phạm khoảng cách an toàn công trình điện như thi công nhà, nhà tiền chế khung sắt, xây dựng kho, sửa chữa nhà xưởng, lắp đặt bảng hiệu quảng cáo. Một số nguyên nhân khác là người dân tụ tập câu cá gần lưới điện cao áp bất cẩn để dây câu chạm vào đường dây; phương tiện giao thông sử dụng thiết bị cẩu, nâng dỡ hàng hóa bất cẩn để đầu cần cẩu chạm vào đường dây dẫn trần mang điện.
Điển hình tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ngày 14-4-2021, ông L.V.H (33 tuổi) lái xe điều khiển thiết bị cẩu vi phạm HLATLĐCA khiến ông H bị tử vong do phóng điện.
Tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ngày 7-5-2021, ông P.T.T (37 tuổi) thi công lắp đạt biển quảng cáo thuê, công trình vi phạm HLATLĐCA, ông T bị phóng điện dẫn đến tử vong. Tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 24-5-2021, ông L.P.L (56 tuổi) câu cá gần lưới điện cao áp, đã bất cẩn để dây câu chạm vào đường dây mang điện, tai nạn xảy ra làm ông L tử vong.
Còn tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, chiều 4-7-2021, một người đàn ông cũng tử vong khi đang câu cá, do vung cần bất cẩn để dây câu vướng vào cây, nạn nhân giật mạnh cần câu làm ngọn cần câu bật ngược lại phía sau vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện với đường dây trung thế 12,7kV gây tai nạn.
Mới đây nhất, sáng 16-7-2021, tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông N.T.O là công nhân, thi công kéo cáp quang, khi quăng dây cáp thông tin qua mái nhà nhưng bất cẩn qua luôn đường dây cao thế 12,7 kV nên ông O bị phóng điện, may mắn chỉ bị bỏng.
Tại TP Cần Thơ, liên tiếp những ngày qua từ 20-7 đến 25-7-2021 xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm tử vong 1 người và gây thiệt hại lớn về tài sản, ngã đỗ cây xanh lên nhiều tuyến đường dây điện trung và hạ thế, làm mất điện tại nhiều khu vực của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Khu vực miền Nam đang bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Để đảm bảo sử dụng điện an toàn, hạn chế rủi ro và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn điện, EVNSPC đã tăng cường hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn đến tất cả khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam.
Phải đảm bảo an toàn trong lắp đặt diện
Theo đó, EVNSPC khuyến cáo trước mùa mưa bão, người dân nên kiểm tra lại hệ thống điện trong gia đình, kịp thời phát hiện, khắc phục những vấn đề có nguy cơ gây sự cố tai nạn điện. Lắp thêm cầu dao chống giật để khi có bị chạm điện thì thiết bị này sẽ tự động cắt nguồn điện, ngăn ngừa tai nạn điện.
Dây nhánh sau đồng hồ điện phải được lắp song song hai dây, cao hơn đầu người, chọn dây phù hợp công suất, bề mặt cách điện của dây dẫn tốt, chịu được lực căng. Dây phải được lắp vào thiết bị có sử dụng sứ cách điện, đảm bảo chắc chắn khi có mưa giông, gió lốc không bị gió đánh rơi xuống đất hoặc đứt. Đồng thời, không dùng điện bằng cách lấy một dây (dây lửa), dây còn lại nối đất kéo ra ruộng, vườn, ao, đìa… để thắp sáng, tưới tiêu, bảo vệ tài sản, hoa màu, hoặc dùng điện để bẫy chuột, chim, bắt cá…
Điện lực TP Cần Thơ khắc phục sự cố điện do mưa bão chiều 20-7-2021
Lưu ý bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt điện có tính năng chống rò điện phù hợp.
Đặc biệt, người dân không lắp đặt kéo dây cột vào cây xanh hoặc để dưới đất, dưới nước. Không để dây bị khuyết tật, gấp gẫy, trầy tróc lớp cách điện, dây giăng không quá căng và đạt độ võng an toàn. Trường hợp nối thì bảo kỹ thuật chắc chắn an toàn, mối nối so le nhau, sử dụng băng keo cách điện chuyên dùng để quấn.
Các dây kéo vượt sông vượt lộ, giao cắt với những điểm giao thông, khu vực đông dân cư phải đảm bảo độ cao, tuyệt đối không có mối nối tại những khoảng vượt này. Khi lắp đặt tủ điện ngoài trời phải đạt độ cao từ 1,4 mét để tránh ngập nước, thuận tiện cho thao tác, nối đất thùng bảo vệ chống rò rỉ điện, che chắn chống thấm khi mưa gió, nước không tạt vào táp lô điện.
Cẩn trọng và thực hiện đúng các biện pháp an toàn khi sử dụng điện
Song song với các yếu tố kỹ thuật thì EVNSPC cũng đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn người sử dụng điện lưu ý thực hiện các biện pháp an toàn thường ngày, nhất là trong mùa mưa bão.
Trước tiên đó là người dân không leo trèo lên cột điện, hộp bảo vệ công tơ treo ngoài cột điện, dây tiếp đất, dây néo cột… các thiết bị phụ kiện khác của hệ thống lưới điện. Không dùng điện để rà (xiệc) cá kể cả dùng điện bằng bình ắc quy; không để cầu dao, aptomat, công tắc... trong tầm tay trẻ em hoặc có nguy cơ bị ngập trong nước.
Bên cạnh đó, chủ các thiết bị đặt ngoài trời như: cây ATM, box điện thoại, pano quảng cáo, trụ điện chiếu sáng công cộng, đèn trang trí cổng chào, máy bán nước tự động… phải kiểm tra tiếp đất, đảm bảo độ chắc chắn, an toàn, tránh tình trạng khi xảy ra mưa bão bị giông lốc cuốn bay vào công trình điện. Trong khi xảy ra mưa giông, cần thiết có thể tạm thời ngắt nguồn điện những thiết bị này.
Ngành điện miền Nam thường xuyên kiểm tra, bảo trì lưới điện trước mùa mưa bão
Không tự ý cơi nới, xây dựng mới nhà ở, công trình gần lưới điện cao áp. Không leo lên nóc nhà dưới đường dây điện để lắp ăngten, dựng giàn giáo, hoặc đưa những thiết bị có chiều dài đến gần dây dẫn điện. Không đào đất gây sụt lún, sạt lở công trình điện như gốc trụ, móng và kênh thoát nước của trạm, mương cáp điện ngầm...
Cần chằng néo mái nhà, đảm bảo khi có giông bão không bay mái tôn vào đường dây gây sự cố lưới điện và nguy cơ xảy ra tai nạn điện.
Người dân không đứng cạnh cột điện, trạm điện tiếp xúc với các thiết bị điện khi trời mưa, không cột thuyền bè, gia súc, phương tiện khác vào trụ điện. Đồng thời, nên ngắt nguồn điện (cúp cầu dao) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn. Khi xảy ra lũ lụt, nước dâng, mưa giông có sét… phải ngắt ngay cầu dao điện chính. Nếu dây điện đứt rơi xuống đất phải báo ngay cho ngành điện gần nhất, đồng thời ngăn chặn người và gia súc đến gần đây điện đang nằm dưới đất.
Thi công lưới điện trong mùa lũ tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Cần chặt tỉa cây cối, dọn dẹp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, phòng tránh mưa gió quật vào công trình điện. Khi chặt tỉa, nếu nhận thấy không an toàn có thể báo ngay đến cơ quan Điện lực để được hỗ trợ xử lý.
"Mọi người đều cẩn trọng và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn điện, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ mưa bão, ngập lụt, thiên tai, để bảo vệ người và tài sản. Hãy gọi ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006 - 19009000 của Tổng công ty để được hỗ trợ 24/7 khi có các vấn đề về điện, dịch vụ điện" - EVNSPC lưu ý.