Không thiếu tài năng và công chúng
"Nhạc cổ điển Việt Nam có rất nhiều nhân tài" - nhạc trưởng người Pháp Olivier Occhanine đã nhận định trong buổi ra mắt Hội đồng điều hành Dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra.
Nhận định ấy chẳng sai. Sau hơn nửa thế kỉ hình thành và phát triển, âm nhạc cổ điển Việt Nam đã có một Dàn nhạc giao hưởng quốc gia với những nghệ sĩ gạo cội như Đỗ Hồng Quân, Ngô Hoàng Quân, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Văn Nam,… với những chuyến lưu diễn, những buổi hòa nhạc được chính bạn bè quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao.
Thậm chí, một đất nước đứng đầu châu Á về âm nhạc hàn lâm như Nhật Bản cũng chưa có một nghệ sĩ nào đạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin như Đặng Thái Sơn của Việt Nam đã làm được khi mới 22 tuổi. Những cái tên Việt như Bùi Công Duy, Trinh Hương hay Chương Vũ được thế giới biết mặt gọi tên. Chỉ nhiêu đó thôi đủ thấy Việt Nam chẳng thiếu tài năng âm nhạc cổ điển.
Việt Nam cũng không thiếu công chúng yêu nhạc cổ điển. Nhìn vào những buổi hòa nhạc Hennessy đặc kín chỗ ngồi và sự chờ đợi của công chúng mỗi "mùa Hennessy", chứng kiến hàng ngàn khán giả Hà Nội hồi đầu tháng lặng nghe London Symphony Orchestra chơi bài Quốc ca Việt Nam trên phố đi bộ Hà Nội, sẽ thấy rằng, thứ âm nhạc vốn được xem là kén khán giả này vẫn chiếm một thị phần không nhỏ trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Công chúng yêu nhạc cổ điển vẫn luôn chờ đợi và khao khát có được những chương trình thực sự chất lượng, thỏa mãn thị hiếu âm nhạc của mình.
Vì sao thưa bóng?
Từng tỏa sáng là thế, nhưng nhạc cổ điển Việt Nam cứ dần bị mai một, trong cơn lốc của pop, rock, của đủ thể loại nhạc hiện đại. Nghệ sĩ ít, các chương trình ít, khán giả cũng… ít dần. Nhiều nghệ sĩ bỏ niềm đam mê vì "cơm áo không đùa với khách thơ", khi đối mặt với sự thật mà chính nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa đã chua xót nói: "Để mưu sinh bằng âm nhạc giao hưởng cổ điển thì quả thực là rất khó… Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ violin rất xuất sắc đã phải bỏ nghề để đi làm đàn. Và còn nhiều nghệ sĩ khác phải bỏ nghề để mưu sinh, hoặc bám trụ ở nước ngoài để theo nghề".
Nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa
Cái khó của âm nhạc Việt Nam cũng không nằm ngoài tình cảnh chung của nhiều dàn nhạc giao hưởng thế giới, bởi đến chính các dàn nhạc ở New York cũng chật vật mưu sinh. Nhưng để sống được, họ đã đi tìm các mạnh thường quân, họ thay đổi chính mình, để tìm đến khán giả thay vì giữ mãi thứ âm nhạc được coi là "bà hoàng của các loại nhạc" trong tháp ngà danh giá.
Thêm cơ hội
Sự ra mắt của Sun Symphony Orchestra (Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời) - SSO vào tháng 9 vừa qua, với sự bảo trợ phi lợi nhuận của Tập đoàn Sun Group, giống như một tín hiệu lạc quan cho âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Sun Group cam kết sẽ đồng hành với SSO ít nhất trong 10 năm tới. Nhạc sĩ Thiếu Hoa nói: "Tôi nghĩ với sự bảo trợ thiết thực và có ý nghĩa này, các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội theo đuổi tiếp giấc mơ giao hưởng". MC Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Sun Symphony Orchestra - người đã từng bỏ lỡ giấc mơ trở thành nghệ sĩ nhạc cổ điển đã xúc động chia sẻ: "Chúng tôi rất may mắn khi có một nhà đồng hành, bảo trợ là Tập đoàn Sun Group. Tôi đã tìm thấy điều mà tôi và nhiều thế hệ nghệ sĩ cổ điển mong đợi - một mô hình mà các nghệ sĩ sẽ được sống bằng đúng nghề mà họ được học". Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - ví von "Sun Symphony Orchestra có thể coi là một "bà đỡ" cho giá trị tinh thần lớn của nền âm nhạc nói chung. "Bà đỡ" cực kì phúc hậu và có tầm nhìn khi đã xây dựng một ngôi nhà vững chãi cho những đứa trẻ của mình…".
MC Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Sun Symphony Orchestra
Sun Symphony Orchestra đang gieo hi vọng cho khán giả yêu nhạc cổ điển về những sản phẩm âm nhạc chất lượng với những buổi hòa nhạc thường xuyên, gần gũi và phù hợp với thị hiếu âm nhạc ngày một khắt khe của công chúng. "Chúng tôi sẽ cố gắng hài hòa giữa yếu tố hàn lâm của âm nhạc cổ điển với sự gần gũi, thân thiện với công chúng" - nhạc trưởng người Pháp, Giám đốc âm nhạc của SSO - Olivier Ochanine hứa hẹn.
Giám đốc âm nhạc của Sun Symphony Orchestra - Olivier Ochanine
Sun Symphony sẽ hướng đến một dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế, với biên chế cả trăm nhạc công. Và trước mắt, Hội đồng điều hành SSO đã mời 5 giám khảo - đều là những tên tuổi quốc tế - tuyển chọn những nghệ sĩ tài năng cho dàn nhạc. Hàng trăm nghệ sĩ trong nước, quốc tế đã ghi tên tham dự, và SSO đang tràn đầy hy vọng về bước khởi đầu tốt đẹp này.
Dàn giám khảo quốc tế tham gia tuyển chọn nghệ sĩ cho SSO
Sẽ có sự cọ xát quốc tế, bởi thành phần của SSO không chỉ có nghệ sĩ Việt Nam. Sẽ có những mức thu nhập đủ để các tài năng thấy mình được nâng niu, trân trọng, được cống hiến cho nghề. Còn quá sớm để nói về tương lai của SSO, nhưng ít nhất, nói như nhạc sĩ Thiếu Hoa thì: "Với chiến lược này, phương châm này, hướng đi đúng đắn này, chắc chắn SSO sẽ là điểm tựa để những nghệ sĩ có thể đi theo đam mê của mình".