Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Chi nhánh Vietcombank TP HCM về vấn đề này.
Phóng viên: Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thực hiện các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã giải quyết cho doanh nghiệp vay vốn với tổng số vốn như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Lập: Là một trong các ngân hàng tham gia tích cực trong Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM tổ chức, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Vietcombank luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Chi nhánh Vietcombank TP HCM
Điển hình là đầu năm 2021, Vietcombank đã đăng ký Gói tín dụng năm 2021 cùng với 11 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn với tổng số tiền đăng ký cho vay 70.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, Vietcombank còn hỗ trợ như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ cho doanh nghiệp
Tính đến tháng 12-2021, Vietcombank đã thực hiện giải ngân theo chương trình được 110.000 tỉ đồng cho 11.000 lượt khách hàng, chiếm 40% tổng số dư nợ giải ngân của toàn địa bàn, thực hiện được 150% số dư nợ đăng ký đầu năm 2021 với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM. Riêng Chi nhánh Vietcombank TP HCM thực hiện giải ngân được 62.000 tỉ đồng, chiếm 49% tổng dư nợ giải ngân của các Chi nhánh Vietcombank trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại các Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietcombank đã triển khai nhanh chóng, đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ trong 2 năm 2020-2021 đạt mức 29.500 tỉ đồng dành cho 3.700 khách hàng. Riêng khu vực TP HCM là 8.400 tỉ đồng dành cho 1.140 khách hàng.
Kể từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, toàn hệ thống Vietcombank đã triển khai 9 đợt giảm lãi suất đối với khách hàng với mức giảm lãi suất lên đến 2,5%/năm. Tổng dư nợ được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay tại ngày 31-12-2021 của toàn hệ thống Vietcombank đạt 680.000 tỉ đồng, chiếm 67% tổng dư dư nợ, dành cho 383 ngàn doanh nghiệp. Tổng số tiền lãi toàn hệ thống đã thực hiện miễn giảm cho khách hàng lũy kế trong 2 năm 2020-2021 là 10.800 tỉ đồng trong đó riêng năm 2021 vừa qua là 7.100 tỉ đồng. Tổng số tiền thực hiện miễn giảm lãi suất của các Chi nhánh Vietcombank trên địa bàn TP HCM là 3.400 tỉ đồng.
- Vậy năm 2022 Vietcombank sẽ làm gì để góp phần cùng TP HCM phát triển kinh tế gắn liền với công tác linh hoạt phòng chống Covid-19?
- Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển qua việc thực hiện cơ cấu nợ phù hợp với phương án trả nợ của khách hàng; triển khai kịp thời các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ giải ngân theo Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vietccombank luôn hỗ trợ tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, góp phần cùng thành phố chiến thắng đại dịch, đi vào cuộc sống bình thường mới một cách ổn định và phát triển bền vững.
Vietcombank ủng hộ 100 tỉ đồng cho hệ thống y tế tại TP HCM trong đợt dịch thứ 4 bùng phát
- Đối tượng được ngân hàng hỗ trợ là những doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Trong bối cảnh hai năm liên tiếp 2020-2021 chịu tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt tại địa bàn TP HCM, đã ảnh hưởng đến hầu hết khách hàng, tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Vietcombank đã tích cực thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch với 21 lĩnh vực ngành hàng, tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, dư nợ cơ cấu tập trung nhiều nhất vào ngành vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy, vui chơi giải trí và dịch vụ với tổng dư nợ là 7.500 tỉ đồng. Dư nợ hỗ trợ lãi suất tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng dư nợ lên đến 200.000 tỉ đồng.
Đây là những doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, đặc biệt giai đoạn đỉnh dịch tại TP HCM trong quý III-2021. Điển hình như các đơn hàng xuất khẩu của ngành da giày, may mặc đều giảm trong khi chi phí nhân công, chi phí quản lý cao hơn bình thường do các doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, các công ty hầu hết đều phát sinh F0, F1 trong phân xưởng dẫn đến gián đoạn về sản xuất. Ngành giao thông vận tải, du lịch, nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại chịu ảnh hưởng khi ngưng các chuyến bay hành khách từ TP HCM đi các tỉnh, thành khác và chuyến bay quốc tế, tỉ lệ lấp đầy thấp, các trung tâm thương mại đóng cửa, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng…