Doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội trao đổi kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH
Ông Nate Herman, Phó giám đốc cấp cao phụ trách chuỗi cung ứng, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA), cho biết Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan có tên Dự luật Tạm thời dừng hoặc giảm thu thuế nhập khẩu các loại (MTB).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Herman nói rằng nếu được thông qua và có hiệu lực, Dự luật sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ các nước như Việt Nam.
Theo ông Nate Herman, Dự luật này kỳ vọng sẽ được thông qua vào cuối năm 2017 và có hiệu lực từ đầu 2018 nên các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu để có chiến lược khai thác hiệu quả.
Đây được cho là yếu tố tích cực cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong đó nhiều mặt hàng Việt Nam sẽ không còn được miễn thuế.
Ông Nate Herman cũng lưu ý rằng hiện nay các chính sách thương mại của Mỹ tập trung vào giảm thâm hụt thương mại, quản lý thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Trong thời gian tới, nước này sẽ không thực hiện đàm phán song phương hay đa phương về các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Mỹ lại có xu hướng tái đàm phán lại các FTA khác đã được ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ, vì thế hàng hóa các nước vào Mỹ sẽ gặp nhiều rào cản hơn.
"Vấn đề của các nhà cung ứng tại Việt Nam là tuân thủ tốt các quy định về an toàn sản phẩm, tuân thủ xã hội… để có thể bán hàng cho nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng khác nhau, và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên toàn cầu", ông Nate Herman nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy xuất khẩu khi không có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cần quan tâm đến các chương trình như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)...