Là doanh nghiệp công nông nghiệp liên hoàn theo mô hình khép kín, từ một nhà máy tại Đồng Nam, đến nay, sau hơn 25 năm phát triển, Công ty C.P đã có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm và thủy hải sản, chế biến xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, châu Âu và Trung Quốc.
Để có được những thành tựu đó, C. P đã nỗ lực không ngừng cải tiến công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo cung cấp các sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Worachai Wunsasueb - Giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm C.P. Củ Chi về quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức thực hiện và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng TP HCM là đầu mối hỗ trợ triển khai.
Ông Worachai Wunsasueb - Giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm C.P. Củ Chi
- PV: Là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, xin ông cho biết Công ty C.P đã triển khai các hệ thống quản lý chất lượng nào?
- Ông Worachai Wunsasuebi: Thức ăn chăn nuôi của C.P Việt Nam được sản xuất cho nhiều loại vật nuôi và nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của vật nuôi, đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, hiệu suất chuyển hóa thức ăn cao, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành chăn nuôi. Bằng công nghệ hiện đại, thức ăn chăn nuôi C.P đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhu cầu dinh dưỡng, an toàn, hiệu suất sử dụng cao và truy xuất nguồn gốc. C.P Việt Nam áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như GMP/HACCP, Global GAP for FEED or UFAS, ISO 9001/ ISO 22000, ISO 14001, ISO 18001/SHE...
- Được biết CP hoạt động theo mô hình khép kín từ nông trại đến bàn ăn, ông có thể chia sẻ về các giải pháp quản lý chất lượng?
- Với tầm nhìn "Là nhà bếp của thế giới", chúng tôi xây dựng mô hình kinh doanh chuỗi công nông nghiệp được tổ chức theo 3 lĩnh vực chính: Thức ăn chăn nuôi, Trang trại chăn nuôi, chế biến thực phẩm.
Thức ăn chăn nuôi với nguyên liệu được truy xuất nguồn gốc, các giống vật nuôi có nguồn gen tốt nhất được nuôi thích nghi và chọn lọc trong điều kiện Việt Nam. C.P cũng ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống thủy sản và kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh nghiêm ngặt.
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, C.P Việt Nam cũng chế biến thực phẩm với việc kiểm soát khắt khe toàn bộ quy trình sản xuất bằng các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001, ISO/IEC 17025, GMP/HACCP.
- C.P đã ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào để tăng năng suất chất lượng và hiệu quả ?
- C.P từng bước đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, giảm áp lực khối lượng công việc cho người lao động bằng việc số hóa "Hệ thống tài liệu nội bộ" phân phối kiểm soát bằng website; "Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm" bằng mã QR Code; Tăng năng suất "Tự động hóa công đoạn đóng gói" bằng hệ thống đóng gói tự động; Tăng năng suất "Tự động hóa công đoạn rửa" nhờ hệ thống cánh tay Robot.
Ngoài ra, C.P. cũng đã triển khai hệ thống quản lý TPM - Total Productive Maintenance để đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục bằng việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc theo quy trình.
- Vậy trong quá trình triển khai, C.P có gặp khó khăn gì không và công ty đã có những giải pháp gì để tháo gỡ?
Hiện nay việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để có thể vận hành được dây chuyền công nghệ hiện đại đang là thách thức đối với C.P. Nhằm tháo gỡ, C.P đã kết với các trường đại học, mở chính sách thực tập sinh đồng thời tài trợ toàn phần cho con em công nhân viên du học tại Thái Lan. Hằng năm, C.P tổ chức tuyển chọn lớp FDL "Future Develoved Leader" để tìm kiếm lãnh đạo kế thừa trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông.