Thực trạng tiêu thụ chậm, rớt giá
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón luôn đóng vai trò quan trọng, bởi đóng góp đến 35%-40% năng suất cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay giá phân bón tăng liên tục, có sản phẩm tăng gần 100% như urê từ 6.700 tăng lên gần 12.000 đồng/kg, điều này gây ra lo ngại cho bà con trong đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến cho các ngành sản xuất nguyên liệu, vận tải gặp khó khăn dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguồn cung làm cho giá nguyên liệu tăng, dẫn đến giá phân bón tăng, có loại tăng trên 200% như amoniac, lưu huỳnh...
Mặt khác, để kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đang phải gánh chịu các chi phí duy trì và vận hành để bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đầu vào đã khó khăn, đầu ra cũng không dễ dàng khi hàng từ nhà máy xuất đi đến hệ thống phân phối và bà con nông dân còn vướng khó khăn bởi nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Nếu các doanh nghiệp không có giải pháp tốt sẽ dẫn đến giá thành sản xuất bị đội lên cao, điều này đồng nghĩa với việc đẩy thêm khó khăn lên vai nông dân, bởi chi phí phân bón chiếm từ 22%-30% tổng chi phí giá thành sản xuất.
Bình Điền nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng phân bón cho bà con nông dân
Theo đại đa số nông dân, đặc biệt là nông dân ĐBSCL, vùng đất chuyên trồng lúa, rau quả và cây ăn trái, chi phí đầu vào dành cho vụ sau thường được quyết định bởi doanh thu đầu ra vụ trước. Thế nhưng, đầu ra của bà con hiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về thị trường tiêu thụ mặc dù ngành nông nghiệp đang ra sức đẩy mạnh các chương trình "kết nối nông sản" của các vùng. Hàng triệu tấn nông sản đang và sắp thu hoạch có nguy cơ bị ách tắc, tiêu thụ chậm, rớt giá… do thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, người dân hạn chế tiêu dùng, cung vượt cầu… làm cho giá nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu. Đứng trước bối cảnh này, bà con sẽ phải cân nhắc kỹ khi đầu tư cho mùa vụ mới.
Tối ưu hóa chi phí
Trước thực trạng trên, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng chống dịch để duy trì sản xuất và cung ứng phân bón, đồng thời rà soát từng khâu để cắt giảm và tối ưu hóa chi phí, trao đổi và làm việc với hệ thống phân phối để chuẩn bị hàng hóa cũng như hỗ trợ cước vận chuyển để đưa hàng hóa về sớm, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ đẩy giá lên cao gây bất lợi cho bà con. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cho bà con như "Canh tác lúa thông minh" nhằm góp phần giúp bà con ổn định tâm lý sản xuất khi mùa vụ Thu Đông và Đông Xuân đang cận kề".
Cụ thể hóa cho những chỉ đạo, Bình Điền đã cùng lúc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: tiết giảm và tối ưu hóa các chi phí liên quan đến truyền thông - quảng cáo, tư vấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân từ quý III và quý IV/2021 bằng cách tăng cường chuyển đổi nhiều hoạt động trực tiếp sang trực tuyến; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu hiện tại, tăng cường tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu; tính toán các phương án hỗ trợ vận chuyển hàng về đại lý sao cho bảo đảm giá bán đến nông dân không quá cao so với giá xuất bán tại nhà máy. Cùng với đó, trong tháng 9, Bình Điền sẽ cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL triển khai tổng kết và chuyển giao chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" cho bà con nông dân. Đây cũng là một trong những cách giúp bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho mùa vụ mới.