Thời tiết ở Lumbini nóng đến mức bức người, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi dù đã được bạn bè báo trước. Việc đi dạo loanh quanh Vườn Thiêng ngốn không ít sức lực và mồ hôi. Khi chúng tôi đến ngôi nhà kỷ niệm nơi Phật đản sanh, mặt trời ở ngay phía trên đỉnh đầu. Có lẽ đây là một sai lầm của cả bọn khi không nghe lời của mấy anh ở chùa Việt Nam khuyên nên đi vào buổi chiều.
Muốn vào bên trong nhà, chúng tôi phải cởi giày mà cả bọn chẳng đứa nào mang vớ theo. Nền đất bị ông trời nung đỏ khiến chúng tôi méo mặt, nhón chân chạy nhanh mấy cũng chẳng thoát khỏi cái nóng rát dưới chân. Vậy mà nhìn người dân viếng thăm, mọi người đi cứ như thể không có chuyện gì hết. Thực tình chúng tôi chỉ muốn ngồi riết bên gốc cây, nghĩ đến đoạn đường chạy ngược ra cổng mà cả bọn chỉ muốn khóc tiếng Miên.
Bên trong có phiến đá đánh dấu chính xác nơi Đức Phật sinh ra
Lá cờ ngũ sắc phất phơ trong nắng
Khi nhắc đến Lumbini (tọa lạc tại làng Rummindei, cách biên giới giữa Nepal - Ấn Độ 27 km), mọi người đều nghĩ đến khu Vườn Thiêng, rộng 2,56km2 với những thánh tích quan trọng: hồ Puskarni - nơi hoàng hậu Maya tẩy trần trước khi hạ sanh thái tử, chùa Mayadevi - nơi bảo tồn nhiều di tích, trong đó có phiến đá in hình dấu chân Phật được phát hiện vào năm 1996, đánh dấu chính xác nơi thái tử đản sanh, hay trụ đá vua Ashoka (A Dục). Thế nhưng trong những nơi thăm thú, chúng tôi mê nhất là những căn nhà tranh vách đất ẩn mình trong đường làng cách không xa khu Vườn Thiêng.
Phía ngoài là những căn nhà, nhà hàng, khách sạn bình thường nhưng càng đi sâu vào bên trong, hai bên là những căn nhà vách đất nhỏ thó, với rèm vải thả buông ngoài cửa. Những mảng màu lạnh như xanh dương, xanh lá cây phần nào làm dịu bớt màu đỏ được tô trên tường nhà cũng như sự oi ả của khí trời.
Dẫu được xây dựng từ đất, những căn nhà trong làng cũng lắm hình lắm dạng. Có căn có cửa sổ hình chữ nhật, có căn lại được khoét kiểu cách hơn như hình tam giác. Một vài căn, vách nhà được ịn cả phân bò và chúng tôi cảm thấy cách làm này nghệ thuật phết. Ngoài dê, chó, nhiều nhà nuôi cả bồ câu.
Hiệu bán đồ ăn gần đường lộ, trên đường dẫn vào làng
Trước những ngôi nhà vách đất là tiệm tạp hóa nhỏ.
Một số nhà có cửa sổ đơn giản
... nhưng cũng có nhà hơi cầu kỳ
Vách nhà được ịn cả phân bò
Người dân nuôi bồ câu ở sân nhà
Người dân phần nhiều đi xe đạp, thi thoảng bắt gặp vài chiếc xe máy. Dọc đường làng, lâu lâu chúng tôi thấy mấy căn nhà giống nhà sàn thu nhỏ, vốn bán đồ ăn, thức uống và vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Giữa cái nóng như đổ lửa, đoạn đường rợp cây xanh dù ngắn, nhưng nó lại như ốc đảo có vẻ đẹp hút hồn tựa tranh vẽ trong sa mạc, ít nhiều cứu vớt chúng tôi.
Người dân đội nắng đi qua những con đường
Bánh xe được quẳng lên mái để giữ chặt chúng trước gió mưa
Người dân phần nhiều đi xe đạp
Hầu như chỉ có người già, phụ nữ, trẻ con ở làng
"Ốc đảo" tự nhiên trên đường
Cay muốn khóc
Trong nhiều món ăn vặt ở Nepal, chúng tôi thích món trộn giữa khoai tây luộc cắt nhỏ, mì gói bóp nhỏ, cơm sấy giòn, hành tím, rau thơm và thứ nước sốt giống như cà ri.
Nhân mì gói, khoai tây sẽ được nhét vào những bánh tròn tròn
Sau khi được trộn đều, chúng được dọn ra đĩa, giấy hay cho vào trong vỏ bánh tròn tròn, khi cắn sẽ nghe tiếng kêu rất đã. Chưa hết ớt cay xè vừa khiến bao tử kêu réo rắc vừa làm nước mắt không cầm được mà chảy xuống.
Món này hơi khó ăn với ai sợ ăn hành tím sống.
Thế nên, hễ bày món này, người bán thường khuyến mãi thực khách một chai nước to ứ hự. Một dĩa to tầm 10.000 đồng (VND) tùy theo người ăn muốn khoai tây nhiều hay ít.
Món ăn vặt được dọn ra đĩa hay giấy.
Chúng tôi hỏi một cậu nhóc tên món này, sau khi vò đầu, cậu bé phiên ra tiếng Anh tên món này là chapat.