Trong năm 2015, TP HCM nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã nhận được 2 nguồn vốn lớn từ Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (1,2 tỉ USD cho dự án khu phức hợp Empire City) và Tập đoàn Lotte (khoảng 2 tỉ USD cho dự án Smart Complex). Cũng thời gian này, một quỹ đầu tư tư nhân Hồng Kông mua lại 4 dự án ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP HCM từ Indochina Land. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đã thay đổi triển vọng của thị trường đầu tư trong nước. Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, việc nới lỏng các quy định về sở hữu nhà cho người nước ngoài sẽ tạo những bước ngoặc quan trọng cho thị trường BĐS Việt Nam... Các hoạt động đầu tư bao gồm FDI và M&A dự kiến sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới.
Cuộc đua giữa khu Đông và khu Nam
Trong quý III/2015, thị trường tiếp tục tăng trưởng tích cực, thúc đẩy số lượng căn hộ mới mở bán và lượng giao dịch. Tổng cộng có khoảng 10.114 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 26 dự án, tăng hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam, xét theo khu vực thì nguồn cung mới ở phía Nam (bao gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36% trong tổng số nguồn cung mới, trong khi khu phía Đông gần đây đang sôi động chỉ chiếm 29% trong quý này. “Rất thú vị khi các dự án BĐS tại khu Nam lại một lần nữa chiếm vị trí dẫn đầu của khu Đông, đặc biệt trong bối cảnh mới đây khi TP HCM dự định phát triển một đặc khu kinh tế tại phía Nam của TP HCM gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, Cần Giờ và tập trung vào kinh tế hàng hải. Vingroup cũng vừa thông báo sẽ kết hợp với cảng Sài Gòn để phát triển khu đất vàng rộng 32 ha tại cảng Khánh Hội vốn sẽ được di dời ở quận 4 thuộc khu Nam. Như vậy sẽ có một cuộc đua giữa 2 điểm nóng trong thời gian tới, đặc biệt là khi khu đô thị mới Thủ Thiêm ở phía Đông đã bắt đầu phát triển tòa tháp căn hộ đầu tiên mang tên Sarimi và cũng được chào bán trong quý III/2015” - bà Dung nói.
Bất động sản khu Nam vẫn chiếm ưu thế về nguồn cung mới Ảnh: C.T.V
Nhìn chung, thị trường trong quý diễn biến tích cực, thúc đẩy lượng tiền đổ vào từ người mua nhà. Khoảng 7.862 căn ước tính được giao dịch trong quý, tăng 88% so với quý III/2014. Căn hộ cao cấp tiếp tục chiếm tỉ lệ tăng dần trong số căn hộ được giao dịch. Tính trong 9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ của phân khúc cao cấp chiếm 35%, tăng so với mức 32% trong cuối năm 2014. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ các dự án mới mở bán trong quý III/2015 chỉ đạt được 35,1%, một phần là do người mua ngại các dự án bị đình trệ lâu năm.
Thời trang, ẩm thực dẫn dắt thị trường bán lẻ
Hoạt động cho thuê bán lẻ trong quý này tiếp tục được dẫn dắt bởi ngành hàng thời trang cao cấp/ trung cấp và ẩm thực. Vingroup tiếp tục mở rộng thương hiệu bán lẻ của mình tại cả mặt bằng nhà phố và trung tâm thương mại. Trong tháng 9, Vingroup đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại quận Gò Vấp, Vincom Quang Trung, với VinMart và VinPro là khách thuê chủ chốt. SC VivoCity tại quận 7 cũng chào đón nhiều thương hiệu bán lẻ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam: Dorothy Perkins, F&F, Mis Selfridge (thời trang) và Komonoya, Sabu Ya trong (ẩm thực).
Đặc biệt nhu cầu thuê tăng mạnh từ các đơn vị quản lý trung tâm thể dục thể hình từ cả các thương hiệu hiện hữu và thương hiệu mới.Theo thống kê của báo Wall Street, chỉ từ 1%-3% dân số thành thị tại châu Á có tham gia hoạt động thể dục thể hình, trong khi đó con số này tại Mỹ là gần 10%.
Mặc dù nhu cầu tìm kiếm mặt bằng bán lẻ trên thị trường có dấu hiệu tăng, giá thuê vẫn tăng chậm vì diện tích trống còn lại tại các vị trí đắc địa rất hạn chế và lòng tin người tiêu dùng vẫn còn chưa ổn định. Theo đó, giá thuê ở khu trung tâm tăng 3% so với quý trước và 7% so với năm ngoái trong khi đó, giá thuê những khu ngoài trung tâm vẫn ổn định.
Thảo Nguyên