Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) - cho rằng việc sửa đổi Thông tư 36 của NHNN để phù hợp với tình hình thị trường BĐS là cần thiết nhưng nên lùi thời điểm để các bên liên quan có lộ trình, chủ động điều chỉnh hoạt động hợp lý hơn.
Áp dụng sau năm 2017
Văn bản của Hiệp hội BĐS được đưa ra sau khi NHNN Chi nhánh TP HCM trả lời kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 36. Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP, việc NHNN đưa ra dự thảo chỉnh sửa không ngoài mục tiêu bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng NH, nhằm hạn chế rủi ro do tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển an toàn, bền vững. Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, tăng trưởng nóng của thị trường BĐS trong những năm qua vẫn còn nguyên giá trị và hiện nay, nợ xấu đã và đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết của hệ thống NH, của Chính phủ.
NHNN Chi nhánh TP cũng cho rằng các chỉ số tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40% và tỉ lệ trích lập dự phòng tăng từ 150% lên 250% được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi các chỉ số đang áp dụng hiện nay phù hợp với giai đoạn khó khăn vừa qua. Khi thị trường phục hồi, cần có sự điều chỉnh để bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống NH, gián tiếp tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô. Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị: “Nếu sửa đổi đề nghị cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng 50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn và vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay. Có thể lùi thời điểm áp dụng thông tư sau năm 2017 để các bên có liên quan chủ động điều chỉnh hoạt động của mình và không gây sốc cho thị trường”.
Tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỉ đồng
Một nội dung khác được Hiệp hội BĐS TP kiến nghị lên NHNN liên quan đến việc triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng. Theo thống kê, đến giữa tháng 3, các NH thương mại đã ký cam kết cho vay là 30.122 tỉ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỉ đồng (đạt 71%). Riêng tại TP HCM, đến cuối tháng 3, các NH đã cam kết cho vay 7.518 tỉ đồng cho 9.831 khách hàng.
Theo quy định, từ sau ngày 31-5, việc giải ngân gói tín dụng này sẽ kết thúc và người vay phải chịu lãi suất mua nhà theo thị trường. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã cho phép tiếp tục giải ngân đến khi hết 30.000 tỉ đồng trong gói tín dụng ưu đãi này. “Nhưng đến giờ, NHNN vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23 trong khi đang có hiện tượng “cò mồi” móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi để ký khống biên bản bàn giao nhà nhằm được giải ngân đến 95% hợp đồng vay. Nếu việc này xảy ra sẽ gây thiệt hại cho người vay và có thể cả NH vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà. Người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm” - ông Châu lo ngại.
Do đó, Hiệp hội BĐS kiến nghị NHNN sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết này, theo hướng thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói ưu đãi của từng NH thương mại. Sau ngày 31-5, các NH thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng để doanh nghiệp và người vay yên tâm.