Sau khi xảy ra việc một số chủ đầu tư đem quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của dự án chung cư thế chấp vay ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM vừa có cảnh báo với các tổ chức tín dụng khi cho vay với các dự án BĐS cần phải thận trọng, cần siết chặt hơn điều kiện cho vay để tránh rủi ro...
Người mua nhà ngồi trên lửa...
Càng cận kề ngày hết hạn hợp đồng vay ngân hàng, chị M.Đ., một người dân ở chung cư Rubyland (quận Tân Phú, Tp.HCM) càng thêm lo lắng, tâm trạng như 'ngồi trên lửa'. Năm 2014, công ty tư nhân của chồng chị Đ. đứng tên vay vốn tại một ngân hàng có chi nhánh tại quận 11 với hạn mức là 500 triệu đồng, tài sản đảm bảo chính là căn hộ mà chị đang sống tại chung cư Rubyland.
Dự án Bảy Hiền Tower dính hàng loạt sai phạm. Ảnh Đình Sơn
Từ hai năm nay, mỗi khi đến thời hạn tất toán khoản vay, chị đều được ngân hàng chấp thuận cho vay lại. Nhưng chị Đ. vừa nghe thông tin sắp tới, khi hết thời hạn vay, ngân hàng này sẽ không cho chị đáo nợ. Lý do là vì căn hộ của chị chưa có giấy chủ quyền (sổ hồng - PV).
Chỉ còn một tháng nữa đến ngày đáo hạn mà chị Đ. vẫn chưa tìm được nguồn vốn. Kế hoạch kinh doanh đành phải lùi lại chờ thông tin từ phía ngân hàng. “Giờ nếu phải trả hết tiền mà ngân hàng không cho vay lại thì tôi chẳng biết sẽ lấy nguồn tiền ở đâu ra mà kinh doanh, doanh nghiệp coi như chết cứng”, chị Đ. than thở.
Tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình), sau sự việc ngân hàng thông báo 'siết nợ' chủ đầu tư, một số hộ dân đang thế chấp căn hộ để vay tiền ngân hàng mua nhà đã chọn cách lùi thời gian trả nợ lại, chứ không trả nhanh như trước đây. Chị M.T., một người dân đang sống tại chung cư The Harmona, cho hay khi mua nhà chị phải vay ngân hàng 30% giá trị hợp đồng, thời hạn vay là 10 năm.
Để được nhận sổ hồng nhanh chị đã trả nhanh số tiền này nên mới chỉ 3 năm chị đã trả hơn 75% số nợ. Dự định đến cuối năm nay chị sẽ thanh toán xong nợ nần. Thế nhưng, sau khi sự việc vỡ lở và nghe thông tin ngân hàng sẽ chặt chẽ hơn khi cho chủ hộ chưa có sổ hồng vay, chị T. đã ngưng ngay việc trả vốn, chờ có sổ hồng mới thanh toán hết khoản vay.
Chị T. cho biết căn hộ của chị nằm trong số 41 căn hộ bị Công ty CP Thanh Niên mang đi thế chấp ngân hàng để bảo đảm cho một người khác vay nợ. Cuối năm ngoái, thấy chị T. trả tiền nhanh, nhân viên ngân hàng còn khuyến khích chị vay thêm. Nhưng khi vụ việc xảy ra, chị gọi đến ngân hàng hỏi thì nhân viên này trả lời không chắc chắn cho vay lại khi căn hộ chị thế chấp chưa có sổ hồng.
“Giờ sự việc lùm xùm này còn chưa biết kết quả giải quyết sẽ ra sao nên tôi cứ giữ lại một khoản nợ để ràng buộc trách nhiệm với ngân hàng. Giả sử có xảy ra sự cố thì ngân hàng còn có động thái can thiệp, hỗ trợ cho khách hàng. Chứ giờ mà trả hết, mình lại trơ trọi không biết phải xoay xở thế nào...” - chị T. nói.
Ngân hàng siết chặt việc cho vay
Trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, xác nhận thông tin vừa qua Ngân hàng Nhà nước thành phố đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải quản lý chặt hơn dòng tiền, đặc biệt là với các dự án BĐS. Nếu chủ đầu tư dùng vốn sai mục đích thì phải xử lý nghiêm. Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng yêu cầu các ngân hàng đồng thời rà soát việc cho vay các dự án BĐS để tránh xảy ra trường hợp tương tự như tại chung cư The Harmona.
Việc sắp tới các ngân hàng sẽ siết chặt điều kiện cho vay thế chấp bằngcăn hộ chưa có sổ hồng khiến người dân lo lắng. Ảnh: Tiến Long
“Văn bản này có nội dung theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố. Trước đó, UBND Tp.HCM đã có văn bản kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng Nhà nước thành phố hướng dẫn các tổ chức tín dụng có liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện đăng ký thay đổi nội dung thế chấp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, UBND Tp.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng theo dõi tình trạng của tài sản thế chấp tại các dự án đầu tư, xây dựng nhà ở nhằm kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để đảm bảo giá trị của tài sản thế chấp, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các tổ chức tín dụng”, ông Minh nói.
Trong khi đó về phía ngân hàng, hiện tại việc nhận thế chấp bằng các BĐS chưa có sổ hồng rất khó khăn. Thông thường, ngân hàng chỉ cho vay đối với những dự án có liên kết với ngân hàng nhằm đảm bảo rằng tài sản thế chấp sẽ không bị thế chấp ở một ngân hàng khác.
Các ngân hàng cũng cho rằng, việc cho vay đối với các dự án có bảo lãnh, liên kết thuận lợi ở chỗ ngân hàng quản lý được tài sản thế chấp, chứ một ngân hàng tài trợ dự án, rồi lại có một ngân hàng khác cho vay thì đến khi tranh chấp xảy ra sẽ không biết phải xử cho ngân hàng nào.
Trong khi đó, quy trình thẩm định cũng qua nhiều bước và thời gian kéo dài. Đại diện một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại quận 3 cho rằng, ngoài việc chỉ cho vay với dự án có bảo lãnh, ngân hàng cũng quy định mục đích vay là để mua chính BĐS đó chứ không nhận thế chấp để vay vốn phục vụ cho các mục đích khác.
“Các chủ đầu tư phải cam kết tài sản đem thế chấp không thế chấp ở ngân hàng khác và trong thời gian bao lâu sẽ ra sổ hồng cho người mua nhà. Nếu sổ hồng chưa ra hoặc người mua nhà có vấn đề gì thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm như thế nào... Tất cả các trường hợp vay dự án đều phải làm thủ tục như thế thì mới đảm bảo BĐS không bị thế chấp nhiều lần như trường hợp tại chung cư The Harmona” - vị đại diện này cho biết.
Ngân hàng khó có thể xử lý nghĩa vụ của chủ đầu tư Việc ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa ra văn bản thông báo yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình phải thực hiện bàn giao tài sản thế chấp là chung cư Harmona do công ty này đã dùng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại chung cư Harmona để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, theo tôi thì phía ngân hàng khó có thể xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các căn hộ tại chung cư này. Bởi lẽ, khoản 4 điều 349 Bộ luật dân sự 2005 có nêu rõ, bên thế chấp được phép bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. Vì thế, nếu ngân hàng đã đồng ý cho chủ đầu tư được bán căn hộ chung cư thì ngân hàng sẽ không còn quyền xử lý tài sản là các căn hộ chung cư này nữa. Tôi cho rằng bài học ở đây là ngân hàng không nên mạo hiểm nhận bảo đảm tài sản là dự án nhà chung cư, bởi lẽ dự án nhà chung cư đương nhiên sẽ để bán cho khách hàng nên việc nhận bảo đảm dự án nhà chung cư không đơn giản chỉ là quan hệ giữa chủ đầu tư với ngân hàng mà là quan hệ với cả người dân. Một bài học nữa có thể rút ra là người dân cần tránh các dự án mà chủ đầu tư đã dùng để bảo đảm nghĩa vụ cho ngân hàng thì mới không lâm vào tình trạng tương tự như các cư dân tại chung cư Harmona hiện nay. PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự, Trường đại học Luật Tp.HCM) |