Tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư” do tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 23-6, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty luật ATIM, cho rằng chuyện chủ đầu tư thế chấp dự án là bình thường vì luật cho phép, và hầu hết các chủ đầu tư phải vay vốn ngân hàng khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải giải chấp khi bán căn hộ. Vấn đề đáng lưu ý ở đây là các chủ đầu tư không công khai thông tin, báo cáo tình hình thực hiện dự án cho các cơ quan chức năng và người mua nhà trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, dẫn đến việc người mua nhà chịu thiệt hại.
Chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình cho rằng, người mua nhà hiện nay không đủ am hiểu các cơ sở pháp luật - Ảnh Hoàng Triều
Tuy nhiên, là người bị hại, người mua vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề pháp lý khi mua căn hộ. Chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình cho rằng, người mua nhà hiện nay không đủ am hiểu các cơ sở pháp luật.
“Khi giao dịch, họ chỉ quan tâm đến giá cả; nếu mua để đầu tư thì tính toán xem mức độ sinh lời có cao hay không, còn các vấn đề khác như thời gian nhận sổ hồng, sổ đỏ thì không nhiều người theo dõi kỹ càng”, ông Tình nói.
Theo ông Tình, khe hở ở đây là người mua nhà thường ở thế yếu hơn, vì thế họ cần được bảo vệ bởi cơ quan quản lý. Chẳng hạn khi nghi ngờ về một dự án nào đó thì họ có quyền đến cơ quan quản lý để tìm hiểu về dự án đó như về tiền sử dụng đất, giấy tờ… như vậy mới đảm bảo cho quyền lợi cho người mua nhà.
Với quan điểm khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty nhà Lê Thành lại cho rằng, hiện nay người mua nhà rất thông minh, họ tìm hiểu rất kỹ càng từng dự án. Thị trường thiếu minh bạch phần lớn do giới đầu cơ gây ra.
“Nhiều người muốn mua những sản phẩm chưa đủ điều kiện bán hoặc chưa công bố thông tin. Với những sản phẩm này, người mua chỉ bỏ vốn ít, nhưng một khi thông tin được công bố hoặc dự án đủ điều kiện bán thì họ sẽ càng có lợi nhuận cao do giá bán đã được đẩy lên cao. Đối với những dự án có thông tin đầy đủ thì đầu tư sẽ không có lời”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, quan trọng là phải giám sát chặt những dự án đem thế chấp ngân hàng. Chẳng hạn phải có giấy loại trừ căn hộ được thế chấp ra khỏi danh sách để tránh thế chấp lần hai. Lỗi ở đây phần lớn là do ngân hàng giám sát không kỹ.
Ở phía nhà phân phối, đại diện Công ty Danh Khôi Á Châu cho biết, hiện các đơn vị phân phối không được thông tin về tình trạng giải chấp của căn hộ. “Chúng tôi chỉ biết dự án đã có thế chấp, nhưng việc có bao nhiêu căn hộ và căn hộ nào được giải chấp thì chúng tôi chưa nắm được”, vị này nói.
Theo ông Hồ Bá Tình, phải có chế tài phạt nặng, hoặc giám sát của một tổ chức khác - có thể không phải là cơ quan nhà nước để tăng uy tín của dự án. Những tổ chức này phải tư vấn, thẩm định với từng chủ đầu tư, dự án để người mua nhà dựa vào đó làm thông tin tham khảo.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho rằng, người mua nhà phải tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư vì đây là đối tác lâu dài. Đồng thời phải nghiên cứu quy định luật pháp trước khi tham gia giao dịch, như quy định về thế chấp, giao dịch bảo đảm… Người mua cũng có thể viết đơn đề nghị lên cơ quan quản lý để được biết thông tin liên quan đến dự án.