Hạ tầng kết nối các địa bàn này với Sài Gòn đang chuyển biến tích cực là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá trên.
Thên thực tế, thị trường BĐS vùng ven (những khu vực giáp ranh Sài Gòn), đều tăng "té nước theo mưa" nhằm đón đầu tuyến metro kéo dài từ TP HCM ra địa phận 2 tỉnh Đông Nam Bộ và ăn theo những dự án cầu, đường mới kết nối với đô thị này.
Mặt khác, việc Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương tuyến Metro số 1 kéo dài đến nút giao ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương và ga cuối sẽ đặt tại khu vực ngã tư Vũng Tàu đã tạo động lực cho dự án nằm gần tuyến giao thông mới này rục rịch tăng giá.
Trong quý III/2016, giai đoạn I, dự án Long Hưng - Biên Hòa, nằm gần ngã tư Vũng Tàu được chào bán ra thị trường 500 nền đất sổ đỏ 100m2, có giá 6.5 - 7 triệu đồng/m2 đã nhanh chóng hút hàng nhờ vị trí kết nối tốt với Sài Gòn. Dự án liền kề TP HCM, cách Suối Tiên 20 phút, cách trung tâm Thủ Thiêm 20 phút qua đường Cao tốc Long Thành Dầu Giây nay cộng thêm thông tin tuyến Metro số 1 sẽ kéo dài đến địa phận Đồng Nai nên chủ đầu tư đã mạnh tay tăng giá bán giai đoạn hai lên 8 - 8.5 triệu đồng/m2.
Chỉ trong vòng 3 tháng, giá đất dự án này đã tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 trở lên, tỷ lệ tăng khoảng 15%. Không chỉ tăng giá, các doanh nghiệp còn thay đổi chiến lược bán hàng. Theo đó, doanh nghiệp chỉ tung ra các sản phẩm nhỏ giọt, khoảng 270 nền vào dịp cuối năm, tương đương 50% lượng hàng đã chào bán trong quý III. Đây được xem là động thái thăm dò phản ứng của thị trường khi cơn sốt giá đất tại phía Đông Sài Gòn đang lan ra trên diện rộng.
Với cú hích nằm gần tuyến Metro số 1 nối dài, ga cuối đặt tại khu vực ngã tư Vũng Tàu, khu đô thị Long Hưng thậm chí còn được nhiều đại gia BĐS tại TP HCM và Hà Nội ngấp nghé săn quỹ đất đón sóng hạ tầng dù thời gian để thi công và hoàn thành tuyến giao thông này dự kiến kéo dài nhiều năm.
Các dự án đất nền vùng ven tăng liên tục trong thời gian qua.
Từ trung tuần tháng 8/2016 đến quý cuối của năm, thị trường nhà đất tại các xã Phú Hữu, Đại Phước, Long Thọ, Phước An, Phú Hội, Phú Đông, Vĩnh Thanh đều ghi nhận mức chào giá đất tăng nhanh. Tuy nhiên, hưởng lợi nhiều nhất từ thông tin xây cầu Cát Lái kết nối TP HCM với Nhơn Trạch là 3 xã: Đại Phước, Phú Hữu và Phú Đông. Mức tăng giá đất tại Nhơn Trạch phổ biến là 15 - 25% và tỷ lệ tăng cao nhất ghi nhận được trên dưới 30% nhưng giao dịch mức này không nhiều. Các dự án tăng giá trong thời gian qua gồm: Đại Phước, Thăng Long Home, Sunflower City, Đông Sài Gòn, Richland City... Đất lẻ trong dân kết nối giao thông thuận tiện cũng được chào giá cao hơn 20% so với đầu năm. Thị trường BĐS tại Nhơn Trạch, Đồng Nai “nóng” trở lại ngay sau khi thông dự án xây cầu Cát Lát nối với Nhơn Trạch có tổng vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng được Thủ tướng chấp thuận.
Tọa lạc ở Đức Hòa, Long An, dự án Cát Tường Phú Sinh nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 9, kết nối với quốc lộ 22 và đường Nguyễn Văn Bứa về An Sương, TP HCM cũng rục rịch tăng giá nhờ sóng hạ tầng. Doanh nghiệp vừa tung ra thị trường 300 sản phẩm với giá bán từ 5 triệu đồng/m2, vị trí đẹp trên 5.5 triệu đồng/m2, trong khi đợt mở bán trong nửa đầu năm giá thấp nhất là 4.5 triệu đồng/m2. Mức tăng giá phổ biến của dự án này là 10 - 15% trong vòng 6 tháng qua.
Chủ đầu tư cho rằng, giá đất tăng do hạ tầng kết nối dự án với TP HCM đang được thi công. Đường Nguyễn Văn Bứa mở rộng 4 làn xe, hứa hẹn hướng di chuyển từ dự án về An Sương qua ga tàu điện tuyến metro An Sương - Bến Thành trong tương lai sẽ thông thoáng.
Theo đại diện chủ đầu tư: "Dự án giáp ranh với Sài Gòn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh là một lợi thế lớn, nay cộng thêm việc mở rộng đường và trong tương lai kết nối được với ga tàu điện là cơ sở kích cầu tốt nên công ty tăng giá có kiểm soát ở ngưỡng 10 – 15%”.
Trong khi đó, giá đất tại Long Hậu, giáp với TP HCM qua huyện Nhà Bè, gần cảng Hiệp Phước cũng ghi nhận leo thang trong những tháng cuối năm. UBND TP HCM đang xin ý kiến Bộ Xây dựng chấp thuận việc đầu tư cảng Hiệp Phước với tổng vốn hơn 4.200 tỷ đồng. Thông tin về chuyển động của khu đô thị cảng này đã tạo cú hích tâm lý cho BĐS tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và khu giáp ranh là Long Hậu.
Một dự án có quy mô 37ha với 1.700 nhà phố, biệt thự liền kề khu đô thị cảng Hiệp Phước vừa chào bán xong 300 nền đợt đầu tiên nhưng giới cò đất đã đánh tiếng chủ đầu tư dự kiến tăng giá giai đoạn kế tiếp. Nền đất giai đoạn đầu có giá từ 520 triệu đồng/nền đã bao gồm thuế phí, nay đã tăng giá nhẹ trên thị trường thứ cấp, chênh 50 - 70 triệu đồng/nền, tương đương mức tăng trên 10%.
Hiện tại, đất nông nghiệp ở Long Hậu, giáp ranh huyện Nhà Bè cũng đang tăng giá. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Tạo giáp ranh với Long An, đất nông nghiệp năm 2015 khoảng 1 triệu đồng/m2 đến tháng 8/2016 đã tăng gấp đôi, vọt lên 2 triệu đồng/m2. Cuối năm giá đất tại đây đã tăng thêm 10% nữa, ghi nhận 2.2 – 2.3 triệu đồng/m2.
Đất xây dựng nhà ở, công trình trên tuyến đường Nguyễn Văn Tạo đã tăng 3 – 4 triệu đồng/m2 lên 5 - 6 triệu đồng/m2 hồi quý III và hiện nay giới buôn nhà đất cho hay đã xuất hiện giao dịch 7 - 9 triệu đồng/m2. Đất hẻm lớn ghi nhận12 triệu đồng/m2 trở lên. Đất khu vực này tăng nhanh là do cầu mới xây xong, đường được mở rộng và trải nhựa đã thu hút nhiều nhà đầu tư về đây gom đất, tạo cơn sốt trong nhiều quý liền.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Thăng Long, Lê Vũ Tuấn Anh đánh giá, quy mô thị trường đang vượt ra khỏi ranh giới địa lý. Điều này có nghĩa là sự sôi động của thị trường nhà đất không còn gói gọn trong đô thị sầm uất như TP HCM mà đang tương tác mạnh mẽ ở khu vực liên vùng, lan ra các tỉnh giáp ranh, lân cận Sài Gòn nhờ cú hích hạ tầng.
Ông Tuấn Anh cho rằng, trong 2 năm qua, những dự án cầu, đường cao tốc, vành đai và nay là metro được công bố, khởi công liên tục đón nhận tin tốt theo chiều hướng tích cực, là bàn đạp kéo giá đất vùng ven đi lên. Trong khi đó, mức tăng giá đất vùng ven vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được, 15 - 20%, cá biệt một số nơi tăng 30% hoặc nhiều hơn.
Hiện nay, những "đội lái" thị trường BĐS liền thổ vùng ven chờ đón sóng hạ tầng đa phần là đại gia trường vốn, chuyên gom đất lô lớn để dành. Nhóm tay chơi này có thể chờ đợi trong khoảng thời gian dài, đủ để nhìn thấy được các dự án hạ tầng từ lúc công bố, triển khai đến thông xe khánh thành. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân có hầu bao và dòng vốn khiêm tốn hơn cần ý thức được việc đổ tiền vào đất đón sóng hạ tầng là cuộc đua đường trường, không phải canh bạc lướt sóng và nên cân nhắc “chọn mặt gửi vàng” để đảm bảo an toàn.