Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã tích cực tổ chức vận động tuyên truyền tiết kiệm điện với phương châm ích nước lợi nhà. Kết quả đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) ở 21 tỉnh, thành phía Nam áp dụng các sáng kiến, mô hình tiết kiệm điện hiệu quả. Nhiều DN còn dành tiền điện tiết kiệm để chăm lo cho người lao động.
Tiết kiệm gần 500 triệu đồng/năm
Công ty TNHH Trung Tre ở 27/50 đường DX 68, tổ 50, khu phố 6, phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một điển hình như thế. DN này chuyên sản xuất que xiên tre, sử dụng 50 lao động, trong đó gần một nửa là người khuyết tật. Các sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ DN chế biến thủy sản và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc và Hy Lạp. Ông Phạm Hồng Trung, Giám đốc Công ty Trung Tre, cho biết trong những năm đầu sử dụng máy móc, thiết bị nhập từ Đài Loan, năng suất lao động không cao, lại bị tiêu hao năng lượng nhiều, chi phí điện tiêu thụ hằng tháng từ 60 triệu đến 70 triệu đồng. Phân xưởng sản xuất của công ty sử dụng máy phay để tạo hình cho sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn dẫn đến điện năng tiêu thụ lớn.
Hưởng ứng kêu gọi tiết kiệm điện, ông Trung nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến mới. Thay vì dùng máy phay với dao cắt động, mỗi sản phẩm thao tác từ 4 công đoạn tốn nhiều điện năng, ông Trung thiết kế lại máy theo quy trình ngược lại, dùng dao định hình cố định và phôi tre chuyển động để tạo hình sản phẩm. Với cách làm này, năng suất lao động tăng gấp nhiều lần và năng lượng tiêu thụ cũng giảm 4 lần so với trước đây. Chi phí đầu tư cho trang thiết bị cũng giảm đáng kể. Cụ thể, nếu đầu tư một dây chuyền sản xuất với 3 công đoạn sơ chế gỗ, định hình sản phẩm và tinh chế nhập khẩu từ Đài Loan có giá hơn 100.000 USD nhưng với “sáng kiến mới”, một dây chuyền chỉ tốn khoảng 4.000 USD.
Công ty Trung Tre có sáng kiến cải tiến công nghệ sản xuất đã tiết kiệm điện mỗi năm gần nửa tỉ đồng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất que tre
Bên cạnh cải tiến thiết bị, Công ty Trung Tre còn sử dụng nhiều giải pháp tiết kiệm khác như lắp đặt tấm kính trên mái nhà, tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và nhắc nhở công nhân mỗi khi không sử dụng chủ động tắt đèn, quạt, máy móc. “Nhờ thực hiện tốt việc tiết kiệm điện, mỗi tháng chúng tôi chỉ trả tiền điện từ 15 triệu đến 20 triệu đồng; tính ra, mỗi năm tiết kiệm gần nửa tỉ đồng” - ông Trung chia sẻ.
Điều đáng ghi nhận là khoản tiền điện tiết kiệm, Công ty Trung Tre dùng vào việc chăm lo cho công nhân, nhất là người khuyết tật. Nhờ thu nhập tăng thêm, thu nhập bình quân của công nhân, người khuyết tật đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Cũng từ khoản phúc lợi này, 7 căn nhà trọ đã được công ty xây dựng để ổn định nơi ở cho người khuyết tật.
Nhiều cách làm thiết thực
Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai 2 (Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam) trong thời gian qua đã áp dụng nhiều giải pháp thiết thực để giảm tiêu thụ điện năng, tăng hiệu suất giúp giảm chi phí sản xuất.
Điển hình là việc xí nghiệp cải tiến hệ thống giải nhiệt đúc cos VRLA đã giúp giảm tỉ lệ phế phẩm từ 1,7% xuống dưới 1,2%, bảo đảm quá trình đúc cos ổn định, liên tục đồng thời giảm điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhờ quá trình đúc cos ổn định, máy hoạt động liên tục, không khởi động nhiều lần như trước đây nên điện năng tiêu thụ giảm 5%.
Bên cạnh đó, xí nghiệp còn đầu tư 12 tỉ đồng để đổi mới công nghệ sản xuất ắc quy thông thường sang công nghệ ắc quy miễn bảo dưỡng CMF. Với công nghệ này, lượng điện tiêu thụ trong quá trình sản xuất giảm đến 30%, góp phần giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến cuối năm 2017, xí nghiệp sẽ tăng công suất dây chuyền sản xuất ắc quy CMF lên gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Điện lực Nhơn Trạch (Đồng Nai), cho rằng rất nhiều DN trên địa bàn hưởng ứng tích cực các chương trình vận động tiết kiệm điện, không những giúp ngành điện giảm tải mà còn qua đó tăng năng suất lao động cho DN thông qua các sáng kiến, cải tiến công nghệ.
Cũng theo ông Ba, trong trách nhiệm của mình, Điện lực Nhơn Trạch đang khẩn trương xây dựng phương thức vận hành linh hoạt, làm việc với các cơ quan, đơn vị, khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn có các biện pháp giảm tải điện giờ cao điểm. Bên cạnh đó phối hợp với các đơn vị có nguồn điện dự phòng yêu cầu hỗ trợ ngành điện trong giờ cao điểm nhằm giảm việc cắt điện, bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô sắp đến.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, cũng nhấn mạnh hiện nay, các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa khô với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn dự báo diễn ra rất khốc liệt. Do đó, sự chủ động của các điện lực địa phương cũng như việc DN, người dân tích cực hưởng ứng vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm sẽ góp phần giúp tổng công ty bảo đảm cung ứng đủ điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn các tỉnh phía Nam trong mùa khô hạn này.
Nhờ vận động, tiết kiệm 1.464 tỉ KWh điện
Trong năm 2016, EVN SPC triển khai rộng khắp việc tuyên truyền vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam. Nhờ đó, trong năm qua, lượng điện tiết kiệm toàn tổng công ty đạt 1.464 tỉ KWh, tương đương 2,66% sản lượng điện thương phẩm cả năm. Trong năm 2017, EVN SPC tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền thông qua tổ chức các chương trình, ngày hội tiết kiệm đến các cơ quan, đơn vị sản xuất - kinh doanh, các hộ dân sử dụng điện ở 21 tỉnh, thành phía Nam.