Đó là nhận định của ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam, tại buổi họp báo công bố thương hiệu mới sáng 7-7 tại TP HCM.
Theo ông Kajiwara Junichi, khuynh hướng tổng nhu cầu thị trường mì gói không thay đổi nhiều trong vài năm trở lại đây. Năm 2014, dự kiến tổng nhu cầu mì ăn liền Việt Nam là 5 tỉ gói nhưng thực tế sức mua không đạt được con số đó.
Riêng Acecook Việt Nam doanh thu năm 2014 đạt gần 9 ngàn tỉ đồng, bằng doanh thu năm 2013. 6 tháng đầu năm 2015 doanh thu tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2014 và kế hoạch cả năm đặt ra là tăng 3% so với năm 2014, tương đương với khoảng 2,8 tỉ gói mì (xuất khẩu chiếm khoảng 8% trong đó).
Mặc dù tăng trưởng của thị trường mì gói chững lại nhưng với sức tiêu thụ lên đến gần 5 tỉ gói/năm, thị trường mì gói vẫn rất hấp dẫn. Cạnh tranh trên thị trường mì càng gay gắt hơn, đặc biệt khốc liệt ở phân khúc thấp.
Giữa tháng 5-2015, Công ty CP Kinh Đô chính thức hợp tác liên doanh với công ty TNHH Saigon Ve Wong (Kinh Đô góp 49% vốn, Saigon Ve Wong góp 51%) để đầu tư xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nuôi, phở… tại KCN VSIP Bắc Ninh. Mục tiêu của Kinh Đô là lọt vào mục tiêu lọt vào top 3 ngành thực phẩm thiết yếu.
Trước đó, gần cuối năm 2014, Kinh Đô tung ra sản phẩm mì gói thương hiệu “Đại gia đình” và cho biết sản phẩm liên tục “cháy hàng” trong những tháng đầu có mặt trên thị trường. Dây chuyền sản xuất của Saigon Ve Wong (lúc đó là đơn vị gia công sản xuất cho Kinh Đô) 400.000 thùng/tháng không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên hai bên quyết định hợp tác xây nhà máy công suất lớn. Đại diện Kinh Đô cũng cho biết sắp tới sẽ tung các sản phẩm cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với những “ông lớn” trên thị trường.
Trong khi đó, Acecook Việt Nam khẳng định sẽ không ngừng đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, nghiên cứu đem lại những giá trị mới cho sản phẩm và đem lại niềm vui, sự ngạc nhiên cho người tiêu dùng; giữ vững vị trí dẫn dắt thị trường mì gói Việt Nam.
“Chúng tôi không chọn chiến lược cạnh tranh về giá mà muốn phát triển mạnh những sản phẩm trung cao cấp. Song song đó, đẩy mạnh những sản phẩm đang tăng có mức tăng trưởng trên 20%/năm như các sản phẩm từ gạo (bún, phở, hủ tíu) và mì ly. Ngoài ra, Acecook Việt Nam cũng đang nghiêm cứu một số dự án ngành hàng mới.” – ông Kajiwara Junichi nói.
Mặc dù không tiết lộ lĩnh vực đầu tư mới nhưng theo Acecook Việt Nam, đó vẫn là ngành hàng thực và gần với mì ăn liền, đáp ứng tiêu chí làm sao có thể ứng dụng, phát huy những kinh nghiệm sản xuất của công ty mẹ ở Nhật.
Theo báo cáo do Kantar Worldpanel về ngành hàng tiêu dùng nhanh năm 2014, mì ăn liền là ngành hàng có vị thế quan trọng trong rổ hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng Việt Nam.
Mì ăn liền cũng là ngành hàng lớn nhất hiện nay với khoảng 50 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, thị trường hiện do 3 đại gia Acecook Việt Nam, Massan và Asia Food thống lĩnh với 80% thị phần. Riêng Acecook Việt Nam nắm trên 50% thị phần.
Cuộc chiến mì gói luôn luôn nóng với những cuộc chiến sôi động diễn ra trong những năm gần đây. Doanh thu của các doanh nghiệp mì gói chi cho các hoạt động marketing, quảng cáo cực kỳ lớn với tần suất phủ sóng dày đặc và “giành” nhau xuất hiện vào giờ vàng trên các kênh truyền hình, báo giấy, báo mạng…
Acecook thay đổi nhận diện
Tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm, công ty CP Acecook Việt Nam chính thức công bố thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu và slogan công ty: chuyển từ Vina Acecook – Biểu tượng của chất lượng thành Cook happiness - Acecook.
Theo ông Kagoshima Shigeto, giám đốc marketing Acecook Việt Nam, logo mới Cook happiness - Acecook sẽ được sử dụng chung cho Acecook Việt Nam, Nhật Bản và Myanmar. Việc chuyển đổi thương hiệu này nhằm tạo bước ngoặc đánh dấu nâng cao sức mạnh của tập đoàn Acecook và tiến tới toàn cầu hóa.