Phong trào nữ công gia chánh nở rộ cộng với sự hỗ trợ “trên cả tuyệt vời” của các trang web dạy nấu ăn, các lớp ngắn hạn dạy làm bánh và công cụ quảng bá đắc lực là các trang mạng xã hội (nhất là facebook), bánh trung thu homemade đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
Bắt đầu làm bánh trung thu từ năm 2013 và đã bán được vài trăm cái bánh truyền thống (nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu xanh – hạt sen, khoai môn và bánh thập cẩm chay, bánh đậu xanh chay) trong mùa trung thu 2014, chị Lệ Hà, hiệu phó 1 trường trung học ở huyện Bình Chánh đã cho ra lò 4-5 mẻ bánh trung thu đầu tay trong mùa trung thu năm nay và bắt đầu nhận đặt hàng. Hiện chị bán bánh trung thu đậu xanh 2 trứng giá 75.000 đồng/cái, bánh thập cẩm 95.000 đồng/cái (trọng lượng 250-270g).
“Ban đầu làm vì thích, sau nhiều người thân quen động viên, đặt hàng nên mình làm nhiều hơn, chủ yếu lấy công làm lời và cung cấp bánh sạch, an toàn cho mọi người. Bánh đậu xanh phải nấu nhân, sên cho tới đường; nhân thập cẩm thì nguyên liệu (các loại hạt, mứt) mua về rửa sạch, rang sấy lại rồi mới trộn với lạp xưởng, gà quay, jambon… Do không có chất bảo quản nên bánh thập cẩm chỉ để được tối đa 7-10 ngày, bánh đậu xanh thì 5-7 ngày” – chị Lệ Hà cho biết.
Chị Lệ Hà chuẩn bị cho bánh vào lò nướng
Công việc chính là biên tập viên 1 tạp chí, Nhớ vừa mở tiệm bánh online “Bánh Homemade Út Nhớ” và nhận đặt bánh trung thu. “Nguyên liệu em mua ở siêu thị làm bánh Nhất Hương, làm tại nhà nên bảo đảm chất lượng và giá “mềm”: bánh đậu xanh, đậu xanh, hạt sen vỏ trà xanh, đậu đỏ nho khô, khoai môn, đậu xanh chanh dây 1 trứng 100g đồng giá 30.000 đồng/cái, nhân thập cẩm 45.000 đồng/cái, bánh không trứng cùng loại 12.000 đồng/cái; giao hàng miễn phí cho khách mua từ 4 cái trở lên. Em mới đăng quảng cáo trên facebook 2 ngày thì đã có nhiều người đặt hàng.” – cô chủ tiệm bánh tên Nhớ nói.
Chị Lệ Hà cho biết cực nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thập cẩm: mứt, hạt mua về phải rửa sạch, rang hoặc sấy khô trước khi trộn chung với các nguyên liệu khác...
Cũng mê làm bánh, sau thời gian học theo học làm bánh ở nhà văn hóa Phụ Nữ TP HCM, Hoàng Anh, nhân viên văn phòng 1 công ty chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc thử làm bánh trung thu. Ban đầu chỉ là làm thử mời người nhà, hàng xóm, đồng nghiệp ăn nhưng được mọi người khen ngon, đặt hàng nên cô bắt đầu nhận đặt bánh. Theo Hoàng Anh, cô làm vui là chính, cảm giác công việc làm bánh cũng là 1 cách giải trí chứ không đặt nặng việc lời – lỗ.
Những “bà chủ” bán bánh trung thu homemade kể trên không phải là những trường hợp cá biệt. Mùa trung thu năm nay, các “cửa hàng” bánh trung thu kiểu này mọc lên như nấm. Không kể đến những trang web bán hàng, trang facebook chuyên về ẩm thực, cung cấp món ăn hàng ngày bán bánh nhằm mục đích kinh doanh, đa số “chủ tiệm bán bánh không đặt mục tiêu lợi nhuận cao mà chủ yếu được thể hiện tài nữ công, nội trợ.
Đối tượng khách mua cũng giới hạn trong nhóm bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc các mối quan hệ từ người quen – bạn bè. Ngoài ra, tâm lý chuộng thực phẩm tự nhiên, chế biến thủ công, không sử dụng hóa chất bảo quản cũng giúp bánh trung thu homemade nở rộ.
Để phục vụ nhu cầu tự làm bánh trung thu tại nhà, nhiều trường dạy nấu ăn, nhà văn hóa phụ nữ đã mở lớp dạy làm bánh trung thu. Trường dạy nghề bếp Mint của chuyên gia ẩm thực Tịnh Hải chuẩn bị mở các lớp chuyên về bánh trung thu cho đối tượng học viên “tay ngang”.
Thực hành làm bánh trung thu tại trường dạy làm bếp Mint
Tham gia lớp học này (chỉ 1 buổi) học viên được hướng dẫn cách chọn nguyên liệu, công thức chế biến, các bước thao tác làm bánh và được tặng 1 hộp bánh thành phẩm do chính mình tham gia làm. Ngoài ra, trường Mint còn nhận đặt bánh trung thu truyền thống (không sử dụng chất bảo quản) với giá hơn 300.000 đồng/hộp.
“Bánh do các học viên của trường làm, chủ yếu để quảng bá thương hiệu trường nên chất lượng đảm bảo, giá phải chăng và chỉ làm số lượng hạn chế” – chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải, hiệu trưởng trường, cho biết.
Quét màu lên bánh trước khi đưa vào lò nướng