Trao đổi với gần 300 CEO tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) về giải pháp làm thế nào để chuyển đổi tổ chức doanh nghiệp một cách hiệu quả? Làm thế nào để phát triển đội ngũ lãnh đạo vững vàng, có khả năng xoay chuyển tình thế và dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua sóng gió?
Giải pháp để chuyển biến mạnh mẽ
Theo ông Đức, có 2 yếu tố quan trọng đi đến quyết định thay đổi của một doanh nghiệp. Đó là tính pháp lý của môi trường đầu tư và dấu ấn nhu cầu của thị trường. Dẫn dụ từ thực tế của Saigon Co.op trong xuyên suốt 35 năm phát triển, ông Đức chia sẻ Saigon Co.op trải qua 5 cột mốc chuyển mình.
Bước đầu là cột mốc năm 1989, Saigon Co.op chuyển từ quản lý nhà nước sang hình thức hợp tác xã. Trong chuỗi thời gian này, Saigon Co.op thực hiện nhiều hoạt động kinh tế từ sản xuất đến xuất khẩu… Dấu mốc thứ 2 là vào năm 1996, Co.opmart Cống Quỳnh được xây dựng và đưa vào hoạt động. Sự kiện này không chỉ đánh dấu cho sự ra đời siêu thị đầu tiên của hệ thống chuỗi bán lẻ Co.opmart mà còn gắn liền với sự chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.
Theo đó, nhu cầu thị trường không chỉ dừng lại ở thương mại truyền thống mà cần có thêm kênh thương mại hiện đại là siêu thị. Dấu mốc thứ 3 là giai đoạn năm 2003 - 2004. Theo đó, xuất phát từ nhu cầu phát triển cao hơn của thị trường đã tạo nên giá trị mới, dòng tiền mới thúc đẩy hệ thống bán lẻ không dừng lại là siêu thị đơn lập mà cần phát triển theo chuỗi hệ thống bán lẻ.
Một trong những điểm nhấn khác trong chuỗi hành trình phát triển của Saigon Co.op nữa là năm 2010. Thời điểm này, thị trường định hình khá rõ nét sự thị hiếu tiêu dùng khác nhau của nhiều đối tượng trong xã hội. Do vậy, để có thể bắt nhịp nhanh với xu hướng mới này, Saigon Co.op đã thực hiện đa dạng hóa mô hình kinh doanh bán lẻ. Điều này cũng lý giải cho thực tế là Saigon Co.op đang có 10 mô hình bán lẻ khác nhau.
Và dấu mốc thứ 5 là từ năm 2019 đến nay. Có thể nói đây là giai đoạn mà doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất nhưng cũng là khó khăn nhất. Thật không quá lời khi cho rằng, thời điểm này doanh nghiệp sẽ được đặt trong tình thế "xoay chuyển hoặc chết".
Liên tục xoay chuyển, bắt nhịp xu hướng
Chưa bao giờ mà thị trường xuất hiện nhiều thành tố, cơ cấu đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp cùng một lúc như hiện nay như kinh tế số, kinh tế xanh và doanh nghiệp phải thực hiện cho được mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với phát triển bền vững. Riêng với hệ thống bán lẻ, thách thức đặt ra là phải bắt kịp thương mại điện tử. Khó khăn là tất cả yêu cầu này đặt ra một lần đòi hỏi doanh nghiệp phải có nội lực đủ lớn thì mới thực hiện được.
Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả chia sẻ về kinh nghiệm phát triển, giải pháp xoay chuyển để giúp doanh nghiệp vượt khó; giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo tại các tập đoàn đa quốc gia; những thách thức và cơ hội trong việc phát triển năng lực lãnh đạo tại các ngành công nghiệp khác nhau.
Ông Đức cho rằng nắm bắt và phát huy bản sắc nội tại là giá trị cốt lõi để đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua biến động của thị trường. Hiện Saigon Co.op đang nhận diện rõ sự thay đổi của môi trường kinh doanh, các yếu tố như xu hướng thị trường, công nghệ, chính sách và kỳ vọng của bên liên quan có thể biến đổi bất ngờ; những khó khăn rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt. Từ đó, xem xét nội tại của mình và áp dụng những giải pháp phù hợp.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, cần thực hiện cân bằng 3 yếu tố là nguồn nhân lực (tăng chất lượng đào tạo) - công việc (nâng cao kỷ luật nhưng không quá nguyên tắc và áp đặt trách nhiệm một cách máy móc) - đánh giá rủi ro và lựa chọn giải pháp an toàn tương đối để có quyết sách nhanh, phù hợp.