Hết thời lãi ngàn tỉ
Có thể xem TPBank là “hiện tượng” của năm khi trở thành ngân hàng đầu tiên công bố hết quý III đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014. Cụ thể, tính đến ngày 30-9, lợi nhuận lũy kế 9 tháng sau khi đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro của TPBank đạt 447 tỉ đồng, bằng 102% mức kế hoạch 438 tỉ đồng mà đại hội cổ đông của ngân hàng đề ra.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết các chỉ tiêu hoạt động khác cũng đạt kết quả khả quan: dư nợ cho vay khách hàng tăng 45,82% so với đầu năm, nợ xấu giảm xuống còn 1,5%, trong khi con số này 6 tháng đầu năm là 1,66% cho thấy có sự cải thiện lớn về chất lượng tín dụng. Huy động vốn cũng có sự tăng trưởng khá, tăng 32,1% so với năm 2013.
Tín dụng thấp và nợ xấu tiếp tục cản trở hoạt động của các ngân hàng. Ảnh minh họa
Sacombank công bố đạt mức lợi nhuận trước thuế 2.400 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, đạt 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014. Riêng mức lãi thuần của Sacombank đạt 5.311 tỉ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt mức khá cao là 12,6%. Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng này đều đem lại lợi nhuận khả quan trong 3 quý đầu năm.
VPBank cũng vừa công bố đạt mức lợi nhuận sau thuế 1.070 tỉ đồng 9 tháng, hoàn thành 71% chỉ tiêu cả năm 2014. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết đến thời điểm này tuy còn khó khăn nhưng đã có thể yên tâm về khả năng hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận cả năm.
Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank được xem là ngọn cờ đầu khi thông báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 đạt 7.533 tỉ đồng, tăng được 8% so với cùng kỳ và bằng gần 70% kế hoạch năm. Huy động vốn và dư nợ cho vay của Vietcombank đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với các mức tăng 17,67% và 10,1%.
Kết quả hoạt động của các ngân hàng cho thấy có sự khả quan nhất định nhưng Luật sư Trương Thanh Đức đến từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại cho rằng xét mối tương quan giữa tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp, nợ xấu của nền kinh tế và lợi nhuận ngân hàng có vẻ không khớp với nhau. “Rõ ràng doanh nghiệp vẫn phá sản hàng loạt, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn thấp, nợ xấu chậm được xử lý thì ngân hàng trông vào đâu để có lợi nhuận cao hơn so với năm trước?” - Luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề.
Khó tăng trưởng tín dụng 12-14%
Với DongA Bank, bức tranh về hoạt động kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm có lẽ trung thực hơn. Sau khi khất cổ tức đợt 1, ngân hàng này báo lỗ sau thuế 76 tỉ đồng trong quý III/2014. Lũy kế 9 tháng, DongA Bank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỉ đồng, chưa bằng 50% kế hoạch cả năm cũng như cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được ngân hàng nêu ra là vì các chỉ tiêu hoạt động không khả quan, như tín dụng đến hết quý III vẫn tăng trưởng âm 0,54%, nợ xấu cao (6,8%) trong khi chi phí hoạt động lại tăng khoảng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Quả thực, tín dụng và nợ xấu vẫn là vật cản trong hoạt động ngân hàng khi tại cuộc họp báo tháng 10 của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo VietinBank cho biết tính đến tháng 10, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới đạt 6,5%, chưa bằng một nửa chỉ tiêu tăng trưởng cho dù lãi suất đã giảm mạnh, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay chỉ còn 2-2,5%.
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy lợi nhuận từ các nghiệp vụ kinh doanh khác có đóng góp đáng kể, đặc biệt là hoạt động mua bán chứng khoán. Trong khi đó hoạt động tín dụng tăng trưởng khá khó khăn.
Từ kết quả hoạt động của 3/4 chặng đường đã qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh cho rằng tín dụng 9 tháng chỉ tăng trưởng 7,26%, trong đó tăng trưởng tín dụng nội tệ thấp hơn nhiều so với tín dụng ngoại tệ. Như vậy, đẩy mạnh tín dụng và tính thêm cả khoản có tính chất tín dụng thì tăng trưởng tín dụng năm 2014 sẽ tương tự như 2 năm trước, tức là đạt khoảng 10%.
“Nếu đẩy lên 12-14% rất dễ xảy ra tình trạng nới lỏng tín dụng quá mức, không tuân thủ điều kiện cho vay và thậm chí có thể xảy ra trường hợp ngân hàng cố giải ngân ngay cả khi doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, gây nhiều rủi ro cho cả người cho vay và người vay” - ông Nguyễn Đình Ánh cảnh báo.