“... Việc xài tiền người khác mà có trách nhiệm trung thực và minh bạch sẽ là thử thách tốt. Một mình doanh nghiệp (DN) không thể làm tất cả mọi thứ, phải coi cả thế giới là một đối tác lớn và có thể “lợi dụng” lúc nào tốt lúc đó”. TS Alan Phan đã chia sẻ như vậy tại hội thảo Thách thức và cơ hội mới 2014-2015, với chủ để chiến lược chuyển đổi của DN do Tổ chức giáo dục PTI tổ chức hôm 10-8, tại TP HCM.
TS Alan Phan cho rằng muốn làm DN, đầu tiên phải có tiền và tiền người khác càng nhiều càng tốt. DN đi tìm vốn cũng giống như một cô gái nghèo đi kiếm chồng triệu phú. DN nên đi tới chỗ mà tất cả dòng tiền đầu tư đổ về, lúc này vai trò của giám đốc tài chính (CFO) rất quan trọng.
Ông nói rằng trong 20 năm tới, công nghệ cao sẽ thay đổi tất cả nền sản xuất toàn cầu. “Tôi vừa đi thăm một nhà máy sữa ở gần Chicago, Mỹ. Nhà máy có cả trang trại nuôi 1.500 con bò sữa nhưng chỉ có 3 người vận hành. Bò được nghe nhạc, có máy mát xa. Được cho ăn đúng giờ, tắm rửa, vệ sinh, vắt sữa… cũng vậy” - ông nói.
Theo TS Alan Phan, ngày xưa, dầu khí rất quan trọng, nhất là với Mỹ và phương Tây. Khi đó, bất cứ một biến chuyển gì ở Trung Đông đều có thể gây xáo trộn kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, gần đây ở Iraq có biến động khá lớn nhưng Mỹ vẫn đứng lơ, dầu không tăng giá. Bởi chỉ 2 năm nữa, Mỹ sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới nhờ công nghệ khai thác dầu phát triển từ những đá phiếm…
Công nghệ sẽ giúp liên thông toàn cầu, gần như cả thế giới chỉ là một thị trường với tốc độ thay đổi khủng khiếp. Rất nhiều sản phẩm mới, đặc thù mà DN có thể học, nếu không có điều kiện ra nước ngoài tìm hiểu, DN chỉ cần ngồi nhà và tra cứu trên mạng.
“Quan trọng là sản phẩm phải có chất lượng tốt và biết chăm sóc khách hàng, có chương trình xây dựng thương hiệu với kế hoạch mục tiêu rõ ràng. Sau này, muốn phát triển phải nghĩ niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu công ty quá nhỏ thì sáp nhập với công ty khác để cùng nhau niêm yết, và phải luôn nghĩ đến xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) để gia tăng giá trị bằng cách thâu tóm những đối tác, đối thủ” - TS Alan Phan nhấn mạnh.
Vừa rồi, Vinamilk có mua lại công ty sữa của Mỹ. Ở Mỹ, công ty sữa thì cho người ta cũng không lấy bởi tăng trưởng ngành này chỉ khoảng 1% đã là cao. Nhưng ở các thị trường mới nổi, ngành sữa rất hấp dẫn với mức tăng trưởng từ 12-14%. Và cơ hội vàng là thị trường Trung Quốc, bởi sau scandal sữa bị nhiễm melamine khiến ngành sữa nước này suy giảm 50%, người dân không dám uống sữa trong nước. Do đó, sữa ngoại lên ngôi. Với Vinamilk, đây cũng là cơ hội vàng.
“Dù thương hiệu của Việt Nam không thể xuất khẩu trực tiếp sữa qua Trung Quốc nhưng với nhãn hiệu mới mua từ công ty của Mỹ, xuất khẩu từ Mỹ qua Trung Quốc lại là sự sáng tạo của DN. Bởi công ty Mỹ mà Vinamilk mua lại đã hoạt động trong suốt 95 năm và không có một scandal”-– TS Alan Phan dẫn chứng về sự sáng tạo của DN thời công nghệ.