Năm 2019, nền kinh tế số tạo ra doanh thu 35.800 tỷ nhân dân tệ (5,52 tỷ USD), chiếm 36% GDP Trung Quốc, theo Học viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc. Lĩnh vực này đã phát triển nhanh hơn phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc suốt thập kỷ qua.
Kinh tế số cũng tạo ra lượng giá trị gia tăng lên tới 7.100 tỷ nhân dân tệ năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Trong khi đó, các ngành công nghiệp khác gồm nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ tạo ra 28.800 tỷ nhân dân tệ giá trị gia tăng bằng cách áp dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Một phụ nữ Trung Quốc livestream bán hàng. Ảnh: AP
Theo cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, Zhu Guangyao, đã đến lúc thực hiện một nghiên cứu thuế kỹ thuật số tổng quát cả quốc tế và trong nước, đặc biệt tập trung vào các nền tảng công nghệ lớn và doanh nghiệp có nền tảng dữ liệu, lưu lượng người dùng khổng lồ. Tại một sự kiện gần đây, Yao Qian, trưởng phòng khoa học và giám sát công nghệ của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho rằng, Trung Quốc nên cân nhắc áp thuế kỹ thuật số với các doanh nghiệp công nghệ. Bắc Kinh cũng đang tìm cách thu thuế thương mại điện tử hiệu quả hơn với các gã khổng lồ như Alibaba, Tencent và Didi Chuxing.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuế, đây không phải là vấn đề đơn giản. Nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đã làm tăng khó khăn trong việc thu thuế và quản lý. Điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi giới chức Trung Quốc đang cập nhật luật chống độc quyền và trấn áp hành vi phản cạnh tranh của các đại gia công nghệ, nước này cũng cần đánh thuế kinh tế số hiệu quả hơn để tạo ra một sân chơi bình đẳng.
Wang Yongjun, Giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương nói với Caixin rằng, đánh thuế kỹ thuật số không đơn giản là đặt ra mức thuế và cơ sở tính thuế. Nó còn liên quan đến việc tái cân bằng lợi ích giữa các lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi phải xem xét đầy đủ tác động với kinh tế - xã hội.
Các chính phủ khác cũng đang chật vật với vấn đề tương tự. Hơn 130 quốc gia đang nỗ lực đàm phán quy định mới để thu thuế các đại gia công nghệ toàn cầu như Amazon, Facebook, Apple và Google. Các cuộc thảo luận quốc tế chủ yếu để giải quyết vấn đề lách thuế và chuyển lợi nhuận, bằng cách buộc các công ty đa quốc gia có lợi nhuận khổng lồ nhờ internet phải đóng thuế ở nơi cung cấp dịch vụ, dù không có văn phòng đại diện ở đó.
Pháp, Italy và Anh đã áp dụng khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số. Một số nước khác đã công bố đề xuất ban hành loại thuế này. Tuy nhiên, những động thái này có thể gây ra căng thẳng thương mại.
Mỹ cáo buộc thuế kỹ thuật số của Pháp là "phân biệt đối xử" với các công ty Mỹ. Tháng 1/2020, Mỹ áp thuế với 1,3 tỷ USD với hàng nhập khẩu của Pháp, trong đó có nước hoa, túi xách. Washington cũng đang điều tra về các khoản thuế kỹ thuật số tại Áo, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến các mức thuế trả đũa tương tự như với Pháp.
Hiện tại, đa phần các nỗ lực thu thuế kỹ thuật số toàn cầu nhắm vào các doanh nghiệp của quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc không như vậy, theo một số chuyên gia thuế. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang đánh thuế với thương mại điện tử trong nước.
Ngay từ đầu năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc lúc đó - Lou Jiwei đã cho rằng cần đánh thuế thương mại điện tử, công nghệ tài chính và các dịch vụ kinh tế chia sẻ như gọi xe của Uber hay Didi Chuxing. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận "rất khó để đánh thuế vào thế giới kỹ thuật số".
Hệ thống thuế hiện hành được xây dựng cho nền kinh tế truyền thống. Thuế được thu chủ yếu dựa trên địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động. Còn kinh tế số lại dựa vào việc thực hiện các giao dịch trực tuyến, có thể giúp doanh nghiệp khai không đúng hoặc dễ dàng trốn thuế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gánh nặng thuế của doanh nghiệp kinh tế số thấp hơn nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc trung lập về thuế và bóp méo thị trường.