Hơn 8 năm qua, chị B.D (SN 41 tuổi, quận Thủ Đức, TP HCM) vẫn không quên được việc mình bất đắc dĩ trở thành "con nợ" trong hoàn cảnh trớ trêu. Cứ nghĩ đến, chị vừa run sợ, vừa giận, không ngờ mình bị người ta đối xử tệ như vậy. Dưới đây là chia sẻ của chị.
Năm 2010, khi đó, tôi đang làm việc cho một tờ báo có tiếng tại TP HCM. Tôi vui vẻ, hoạt bát nên được nhiều đồng nghiệp trong cơ quan quý mến. Một ngày cuối năm, cả cơ quan xôn xao vì có người phụ nữ trẻ đến làm ầm ĩ, tố cáo tôi vay tiền không chịu trả, đã thế còn đe dọa, tìm mọi cách trốn tránh. Người này yêu cầu phía cơ quan có biện pháp can thiệp để mình lấy được tiền.
Mới nghe qua, ai cũng nghĩ tôi là người quỵt nợ. Ngay lập tức, ban lãnh đạo yêu cầu tôi giải trình và nhắc nhở, đừng để việc cá nhân ảnh hưởng đến nơi làm việc. Sau khi xem đơn, tôi mới ngỡ ngàng biết, người tố đó là L., đã vay của tôi 50 triệu. Tôi không ngờ cô ta lại làm hành động phi đạo đức đến thế. Tôi vô cùng bức xúc, nhưng không làm gì được, vì liên lạc không được, tìm nơi ở cũng bặt vô âm tín.
L. là chị em cùng quê Quảng Bình với tôi. Chúng tôi thân thiết khi vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng hương. Thấy L. mới vào Sài Gòn, mới ly hôn chồng, một mình nuôi con, công việc chưa ổn định, tôi rất thương, lúc nào cũng động viên, giúp đỡ, tạo việc làm cho.
Ngày bố và con gái L. vào Sài Gòn, cô ấy muốn đưa đi chơi nhưng không có tiền. Cô ấy hỏi vay tôi 50 triệu, hứa sẽ trả dần trong vòng 6 tháng. Nghĩ đến trước đây, cuộc sống của mình khó khăn, được nhiều bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ, giờ cô em cũng như vậy, tôi chẳng ngần ngại. Lúc đưa tiền, nghĩ tin nhau nên tôi không ghi giấy nợ.
Ảnh minh họa: linkedin
Ba năm sau, chẳng thấy cô ấy có động tĩnh trả, tôi phải nhắn tin đòi. L. hẹn ra quán cà phê trả, nhưng để tôi chờ mòn mỏi hết lần này đến lần khác. Được hỏi lý do, Li. đáp gọn lỏn: "Chị dại mới đưa tiền cho tôi xài, giờ đừng mơ đòi được", xong tắt máy. Liên lạc không được, tôi chỉ biết gọi bố mẹ L. ở quê trình bày sự việc, với mong muốn con gái họ không có tiền thì nói một tiếng, đừng cố tình lẩn trốn rồi làm mấy việc không phải phép. Từ lúc đó, ngày nào tôi cũng nhận những tin nhắn mắng chửi, cuộc gọi khủng bố tinh thần của L., kể cả lúc nửa đêm bằng những lời khiếm nhã.
Ân hận, buồn bực, mấy tháng liền tôi mất ăn, mất ngủ, người tiều tụy. Khi đang nghĩ, phải làm sao để được yên và đòi được tiền thì tôi nhận được lá đơn tố ngược này. Nói thật, lúc đó, tôi chỉ mong gặp được cô ta, đánh cho một trận, chẳng cần nghĩ đến việc mình vi phạm pháp luật nữa. Cô ấy làm tôi không những tức giận mà còn không dám đối diện với đồng nghiệp.
Thấy tôi đêm nào cũng khổ sở vì những cuộc gọi của L., chồng tôi đã mua một chiếc điện thoại có chức năng ghi âm, định vị người gọi để thu thập bằng chứng, tố cáo hành vi của L. đến công an. Có mặt tại cơ quan công an, L. thừa nhận có vay tiền và dùng biện pháp trả đũa tồi tệ là vì cuộc sống khó khăn, không có khả năng trả nợ. Biết tin, bố L. gọi điện cho biết cô ấy bị bệnh thần kinh, suốt mấy năm liền chẳng gửi về cho con một đồng, để mặc ông bà nuôi cháu. Ông cũng hứa sẽ gắng làm việc trả nợ thay con gái.
Thương bố L. và con gái nhỏ của cô ấy, nếu cô ấy đi tù thì tôi cũng chẳng nhận niềm vui, tôi quyết định rút đơn với sự đồng ý của chồng, chấp nhận cho không số tiền đã cho vay. Thế nhưng từ đó, tôi cũng rút ra cho mình một bài học đắt giá, khi đã cho ai vay tiền thì cần nhìn vào khả năng trả nợ của họ, cũng như phải có bằng chứng rõ ràng và đừng bao giờ cả nể.