Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Phương, 36 tuổi, hiện sống tại TP HCM về những sai lầm khi chi tiêu thời trẻ của mình.
Tôi học ngoại ngữ, tốt nghiệp ra trường năm 2004. Sau một năm làm các công việc thời vụ, gia sư để bám trụ lại Hà Nội, cuối năm 2005, tôi xin được việc sản xuất chương trình, biên tập trong một công ty truyền thông. Dù đã có công việc ổn định nhưng tôi vẫn đi dạy tiếng Việt cho mấy đứa nhỏ người Hàn Quốc bởi công việc vui vẻ, nhàn hạ mà mức lương cao ngang bằng mức lương chính. Trong thời gian từ 2007- 2010, trung bình mỗi tháng, tổng thu nhập của tôi vào khoảng 20 triệu, quy ra được 1.000 đôla Mỹ. Mỗi tháng tôi thuê một ngôi nhà hai tầng ở Đống Đa hết 3 triệu, cho hai đứa em ở cùng không lấy tiền. Tôi không tính chi li các khoản chi tiêu nên có tháng dư ra được cả chục triệu nhưng có tháng tiêu hết sạch, lẹm cả vào tiền dư của tháng trước, tùy thuộc vào tháng ấy tôi đi chơi, đi mua sắm nhiều hay ít.
Thời đó, tôi chưa biết gửi tiền tiết kiệm điện tử, nếu muốn gửi tại quầy ngân hàng thì phải giao dịch vào giờ hành chính nên tôi rất ngại. Cả mấy năm, tôi mới có vài lần đi gửi tiền, khi tài khoản ATM phải dư 30 triệu.
Thực ra, tôi cũng từng mong muốn mua được một căn nhà nhỏ ở Hà Nội để đỡ phải thuê nhà, nhưng tôi chỉ thích mua cách chỗ tôi làm (quận Hoàn Kiếm) trong vòng bán kính 7km. Mà mua nhà ở những vị trí này đắt kinh khủng. Giả dụ mua một căn nhà một tỷ (diện tích chắc được 20m2 trong ngõ hẹp) thì tôi cũng phải mất 5 năm không tiêu một đồng nào. Đứa bạn thân rủ tôi mua đất bên quận Long Biên hoặc về Hoàng Mai nhưng tôi gạt đi vì thấy đi làm xa quá và cũng không thích vay tiền ngân hàng. Với tôi giải pháp nhanh nhất để có nhà là lấy anh người yêu lúc đó đang sống cùng bố mẹ tại Hà Nội. Nếu muốn ra ở riêng, chúng tôi sẽ cùng nhau bỏ tiền ra thuê nhà.
Tôi không phải là người nghiện mua sắm, tôi chưa bao giờ có tới 10 đôi giày dép, quần áo đi làm đi chơi cũng chỉ khoảng 10 bộ hay mặc mỗi mùa (tất nhiên, có một số bộ tôi mua xong chỉ mặc một lần vì không hợp). Tôi vẫn còn giữ những chiếc áo len từ thời sinh viên mà mình thích mặc. Tôi không nghiện mua sắm mỹ phẩm, lúc nào cũng chỉ có một bộ trang điểm, dùng hết thì mua mới.
Tôi cũng không phải là đứa chơi bời hoang phí, thỉnh thoảng mới ra quán ăn khi tụ tập bạn bè. Hôm nào lười nấu ăn ở nhà, tôi chỉ dám ăn ở những quán bình dân 20-30 nghìn/suất.
Thế nhưng do không có mục tiêu tài chính, tôi tiêu tiền dễ dãi, cho người quen vay lắt nhắt vài triệu đến chục triệu, mà không nhớ đòi hết. Người quen bán bảo hiểm nhân thọ, tôi sẵn sàng mua ủng hộ mà chỉ hiểu sơ là có bệnh hay chết thì được đền bù, còn không sau này hết hợp đồng thì nhận lại tiền. Người quen bán hàng đa cấp từ thực phẩm chức năng đến mỹ phẩm, tôi cũng mua ủng hộ rồi đem cho, mà chả biết dùng có tác dụng gì không. Ai rủ đi du lịch mà sắp xếp được thời gian là tôi nhận lời. Tôi nhớ năm 2009, tôi đi chơi trong nước và nước ngoài tổng cộng 7 chuyến. Dù tự bỏ tiền ra toàn bộ hay được bao tàu xe và chỗ ăn ở thì tôi cũng tốn rất nhiều tiền mua quà cáp. Những chuyến đi dù chỉ vào mấy ngày cuối tuần cũng tốn vài triệu. Năm đó, tôi thậm chí tiêu hết sạch tiền tiết kiệm.
Không biết quản lý tài chính khi còn trẻ, nhiều người trở nên nghèo khó khi về già - Ảnh: Vereb
5 năm đi làm nhưng đến trước ngày cưới, tháng 12/2010, tôi chỉ có trong tay 50 triệu. Chồng tôi, một kỹ sư xây dựng, cũng ỷ lại việc có nhà của bố mẹ nên chả tiết kiệm gì. Năm 2011, do công ty ngoài Hà Nội làm ăn bết bát, chồng tôi chuyển vào TP HCM làm, tôi cũng chuyển vào chi nhánh của công ty mình ở đây. Chúng tôi chưa định sống ở đây lâu dài nên không nghĩ đến chuyện mua nhà đất mà thuê một căn hộ 50m2 để ở với giá 5 triệu đồng/tháng dù tổng thu nhập 30 triệu. Sau kết hôn, hai vợ chồng cũng muốn để dành tiền làm việc này việc kia nhưng có lẽ do đã quen chi tiêu vô tổ chức mà chúng tôi không tiết kiệm được nhiều, ngoài khoản cố định 3 triệu tách riêng ra ngay từ khi nhận lương để chuẩn bị cho việc sinh con.
Đầu năm 2013, tôi sinh con đầu lòng, cuối năm 2014 lại sinh tiếp bé thứ hai. Sau khi sinh con, năng suất làm việc của tôi giảm hẳn. Tôi phải chuyển sang công việc đơn giản hơn, thu nhập chỉ 8 triệu, hiện giờ mới tăng lên 10 triệu/tháng. Thu nhập của chồng tôi khá hơn nhưng phụ thuộc vào các công trình. Tuy nhiên, hai vợ chồng xác định sẽ sống lại TP HCM vì đã quen với thời tiết và khí hậu nơi đây. Chúng tôi cũng có nhiều họ hàng và bạn bè ở đây, em gái tôi cũng vào Nam làm việc nên chúng tôi không đến nỗi cô đơn.
Có điều, đến bây giờ, dù đã được bố mẹ chồng cho 500 triệu nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa mua được nhà. Trong khi đó, đứa bạn rủ tôi mua đất ở Long Biên và Hoàng Mai ngày xưa giờ đã có trong tay một ngôi nhà cho thuê, một ngôi nhà để ở nhờ mua đất lúc rẻ và bán đi lúc bất động sản lên giá. Đi họp lớp, thấy bạn bè nhiều đứa trước đây thu nhập kém tôi nhưng biết tiết kiệm và dùng tiền đầu tư kinh doanh, giờ có tiền tỷ trong tay, tôi càng tiếc vì mình đã không biết quản lý tiền từ trẻ.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Lê Kim Oanh (TP HCM), hai trong số những sai lầm tài chính mà rất nhiều mắc phải khi còn trẻ khiến họ nghèo sau này là không thiết lập ngân sách và không thiết lập các mục tiêu tài chính. Rất nhiều bạn trẻ tiêu tiền mà không biết tiền đi đâu, cho đến khi hết tiền. Nếu không đặt ra mục tiêu, bạn sẽ khó đến đích.
Những mục tiêu đơn giản như "Tiết kiệm 3 triệu/tháng", hay phức tạp hơn như mua nhà, mở công ty... đều bắt đầu bằng nhận thức và thực hiện các bước nhỏ đầu tiên. "Người trẻ có thể không có tài sản vì còn đầu tư cho học tập, nhưng người trung niên không có tài sản là những người thất bại", bà Oanh nhận xét.
Trong các công thức quản lý tài chính của các chuyên gia dạy làm giàu thế giới, việc tiết kiệm tiền và tiết kiệm để đầu tư sinh lợi luôn được coi trọng. Công thức chia thu nhập vào 6 chiếc lọ khuyên mỗi người nên dành 10% thu nhập cho tiết kiệm để tự do tài chính (đầu tư sinh lời) và 10% cho tiết kiệm dài hạn.
Còn công thức quản lý tiền của chuyên gia phát triển con người Tony Robbins thì khuyên rằng, khi kiếm một khoản tiền, bạn nên chia vào 2 quỹ Tiêu dùng và Đầu tư. Ông không quy định mỗi quỹ là bao nhiêu %, nhưng tỷ lệ đó nên là một con số cố định. Khoản Đầu tư lại chia làm ba phần:
1. Đầu tư rủi ro, đó là những khoản có nguy cơ thất bại nhưng cũng có thể mang lại lãi suất cao, ví dụ đầu tư chứng khoán.
2. Đầu tư an toàn, có thể là trái phiếu chính phủ, gửi ngân hàng...
3. Ước mơ, dùng tiền cho những thứ mà bạn mơ ước như ô tô, mua nhà, điện thoại…, những khoản chi tiêu đắt tiền.
Theo Tony Robbins, bạn càng đầu tư với tỷ lệ cao thì càng nhanh giàu.