Theo ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại TTT, chúng ta phải nhìn nhận nhà ở dưới góc độ phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng.
“Nếu như anh có chiến lược nghiên cứu thị trường tốt thì anh biết ở khu vực đó nhu cầu người tiêu dùng cần bao nhiêu nhà, diện tích bao nhiêu, giá bao nhiêu. Đơn cử, nếu đầu tư một dự án ở quận 1, quận 3 (TP HCM) thì phải khác với một dự án ở Thủ Đức, Nhà Bè” - ông Thông cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù đầu tư ở khu vực nào, phân khúc nào thì giá nhà ở hiện nay vẫn còn khá cao so với thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng, với mức giá, lãi suất hiện nay thì người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng cũng khó mua được nhà.
Ông Đực phân tích trả trước khoảng 200 triệu đồng để mua một căn hộ giá 700 triệu, người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, sau khi dành tiền cho chi tiêu hàng ngày, họ phải dành dụm gần 5 năm trời mới đủ. Số còn lại vay ngân hàng 10 - 15 năm thì mỗi tháng họ phải trả khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Đối với mức chi tiêu tại TP HCM, để tiết kiệm được khoản này rất khó. Theo ông Đực, nếu hai vợ chồng tổng thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng mới có khả năng mua được nhà.
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải giảm giá nhà. Tuy nhiên, điều này gần như bất khả thi bởi, theo ông Lê Bá Thông, nếu những ai đầu tư xây dựng nhà ở đều biết rất rõ hiện chi phí cho đất rất cao trong cơ cấu giá nhà hoàn thiện.
“Do đó, nếu kêu gọi doanh nghiệp xây nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp mà không giảm giá đất, tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp rất khó giảm được giá nhà. Tuy nhiên, nếu nhà nước giảm giá đất từ 30 - 40% thì giá nhà chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể” - ông Thông nhận định.
Đồng quan điểm với ông Thông, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng nhà nước nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp giảm giá bán, mà muốn giảm giá bán thì phải giảm giá thành. “Ngược lại chúng tôi phải kêu gọi nhà nước hỗ trợ chúng tôi cái gì để chúng tôi giảm” - ông Đực nhấn mạnh.
Theo ông Đực, doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất cần nhà nước tác động để ngân hàng giảm lãi suất. Lãi suất ngân hàng đầu vào có 5 - 6%, đầu ra tới 12 - 13%, chênh lệch tới 6 - 7%, trong khi chỉ cần chênh lệch 2% là ngân hàng đủ “no” rồi.
“Không một doanh nghiệp nào mà có thể tồn tại suốt năm sáu năm trời với lãi suất mười mấy phần trăm” - ông Nguyễn Văn Đực bức xúc.
Cũng theo ông Đực, bên cạnh tiền đất, tiền sử dụng đất và lãi suất như đã phân tích, vấn đề thủ tục cũng đã “đồng lõa” “ăn” hết tài sản doanh nghiệp. Do đó, để doanh nghiệp có thể giảm giá bán, để giá nhà phù hợp hơn với thu nhập người tiêu dùng, vai trò điều tiết của nhà nước là rất quan trọng.