Điều đáng nói là cùng với tăng giá thì hãng này cũng tặng thêm hộp sữa... nên đã lập luận là tăng giá nhưng cũng như không vì chẳng thu được bao nhiêu.
Giá sữa bắt đầu vào đợt tăng mới (ảnh minh hoạ).
Trong khi đó, khảo sát tại một số đại lý sữa lớn trên các phố Sơn Tây, Kim Mã (Hà Nội), thông tin chúng tôi có được là từ ngày 1-8 tới, nhiều hãng sữa khác cũng sẽ điều chỉnh giá tiếp. Anh Tuấn - chủ một đại lý sữa ở phố Sơn Tây - cho biết hãng Abbott dự kiến sẽ còn tăng giá trở lại trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới với mức không nhỏ. Các nhãn sữa khác cũng đều đang bán hàng với giá đã tăng trước đó." Nếu em mua tích trữ thì nhanh tay lên vì sữa chỉ có tăng giá chứ không giảm giá” - người này khuyên.
Theo nguồn tin, một số hãng sữa khác cũng đang rục rịch tăng giá từ ngày 1-8. Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã...
Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng. Trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa trong nước nào giảm giá.
Không thể quản giá sữa
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay giá sữa đã tăng tới 4 lần, mức tăng thêm từ 8-9% tùy loại, có loại tăng giá 15%... Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.
Sau khi xuất hiện thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra một số doanh nghiệp chế biến sữa bột cho trẻ em bị tình nghi có hành vi thao túng giá thị trường, đã có một loạt công ty sữa thông báo giảm giá bán. Những ngày gần đây, đã có thêm 4 hãng giảm giá mặt hàng sữa bột cho trẻ em tại Trung Quốc. Chính phủ nước này đã cam kết trừng phạt thích đáng những kẻ vi phạm và kêu gọi thắt chặt công tác kiểm soát việc sản xuất sữa bột, nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng với các công ty trong nước. |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng kẽ hở mà các hãng sữa “lách” để tránh sự quản lý của cơ quan nhà nước là quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Cục Quản lý giá, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Những loại sữa khác không phải đăng ký.
"Tôi cho rằng chúng ta đang quản lý giá sữa theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Các cơ quan quản lý chỉ khi thấy giá sữa trên thị trường tăng mới dòm ngó đến mà cũng không đưa ra được biện pháp nào. Văn bản quản lý giá có ban hành nhưng không đem lại tác dụng gì” - ông Long nhận định.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hữu Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, đề xuất mỗi cơ quan nhà nước cần làm tốt từ gốc vì sữa là mặt hàng quản lý theo chuỗi, chứ không đơn lẻ cơ quan nào. Ví dụ, các quy định phải chặt từ khâu nhập khẩu, thành phần chất lượng, tên gọi ra sao, giá chỉ là khâu quản lý cuối cùng. Nếu không làm tốt từ khâu chuỗi này thì sẽ khó quản được giá sữa.
Theo ông Anh, sữa cho trẻ em thì cần phải kê khai, đăng ký giá. Chúng ta chỉ nên tập trung kiểm soát các loại sữa chủ yếu, được tiêu dùng nhiều, có tác động lớn tới người tiêu dùng. Muốn làm được như vậy, trước hết phải thống nhất từ tên gọi sản phẩm sữa khi nhập khẩu đến đưa ra thị trường nội địa để người dân hiểu và lựa chọn sản phẩm đúng với nhu cầu.