Không chỉ truyền cảm hứng bằng câu chuyện nghị lực vươn lên của chính bản thân nơi đất khách, doanh nhân David Dương còn tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội học tập, làm việc và cống hiến dựng xây quê hương Việt Nam.
Về Việt Nam đúng vào thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - đã lắng nghe và trò chuyện cùng rất nhiều bạn trẻ, sinh viên đại học.
Hướng về đất mẹ
Trong các cuộc gặp gỡ, ông David Dương luôn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy mang kiến thức, trình độ để đóng góp xây dựng quê hương. Bởi đóng góp cho quê hương cũng là đóng góp cho chính mình.
Đón đoàn sinh viên Trường Đại học Fulbright đến thăm Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước thuộc VWS (huyện Bình Chánh, TP HCM), ông David Dương tâm sự là một người Mỹ gốc Việt nên dù xa quê hương, ông vẫn có nguyện vọng đem những thành quả bản thân đã học hỏi từ công nghệ tiên tiến ở nước ngoài trở về góp phần dựng xây đất nước Việt Nam.
Chính vì vậy, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước được thực hiện theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Nơi này đang tiếp nhận và xử lý khoảng 6.700 tấn rác/ngày, chiếm khoảng 70% - 80% tổng lượng rác thải của TP HCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Đặc biệt, VWS có nhà máy xử lý nước rỉ rác hiện đại bằng công nghệ nano; nhà máy phát điện được thu khí metan từ bãi chôn lấp hợp vệ sinh và không để khí này phát tán ra ngoài. "Chúng tôi đã làm tất cả, ứng dụng hầu hết các công nghệ hiện đại nhất tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước nhằm xử lý rác hiệu quả nhất nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân" - ông David Dương khẳng định.
"Việt Nam đang rất cần khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực trở về Việt Nam để đóng góp, xây dựng đất nước. Các bạn là những người trẻ, được tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất. Chúng ta hãy đem những điều học được từ nhà trường, từ xã hội để góp phần phát triển quê hương. Đóng góp cho xã hội cũng là đóng góp cho chính bản thân, gia đình mình" - ông David Dương nói thêm.
Có thể tài trợ học bổng đến 5 triệu USD
Nhiều năm qua, Trường Đại học Fulbright có các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính cho các sinh viên ham học và có hoàn cảnh khó khăn. Tiến sĩ Scott Fritzen - Hiệu trưởng Trường Fulbright Việt Nam - cho biết chuẩn bị ra mắt chương trình học bổng tác động dành cho các sinh viên tương lai có tiềm năng trong lĩnh vực phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị bền vững và trách nhiệm xã hội. Học bổng này sẽ mở ra cơ hội để sinh viên phát triển các giải pháp đột phá và trở thành những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình.
Chia sẻ cùng truyền thông bên lề chương trình, ông David Dương nói Fulbright là một trường đại học của Mỹ có mặt tại Việt Nam, trường có những chương trình dạy học rất tốt.
"Chúng tôi mong muốn giúp sinh viên Việt Nam học được những kiến thức tốt nhất để phục vụ quê hương, vì vậy đã đồng ý tài trợ học bổng cho Trường Đại học Fulbright, nhằm góp thêm ngân sách để nhà trường hỗ trợ các sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học tại trường. Hy vọng trong tương lai, khi các bạn sinh viên ra trường sẽ đem những kiến thức tốt, những điều hay để góp phần dựng xây quê hương, trở thành những người có ích cho xã hội, cho gia đình. Sinh viên được nhận học bổng sẽ do nhà trường xét chọn" - ông David Dương nói.
Theo đó, ông David Dương tiếp tục chia sẻ: "Tôi sẽ hỗ trợ 5 triệu USD vào quỹ học bổng của Trường Đại học Fulbright. Hiện đã đóng góp 1 triệu USD, 4 triệu USD còn lại sẽ đóng góp theo mô hình đối xứng. Số tiền 4 triệu USD còn lại này không thuộc tiền quyên góp các thành viên hội đồng của Trường Đại học Fulbright. Nếu nhà hảo tâm hỗ trợ trường bao nhiêu thì chúng tôi sẽ đóng góp bấy nhiêu. Ví dụ như họ góp 500.000 USD, chúng tôi cũng góp 500.000 USD; thậm chí họ góp 4 triệu USD, chúng tôi cũng sẽ góp ngay 4 triệu USD để học bổng Trường Đại học Fulbright có ngay 8 triệu USD. Như vậy nhà trường sẽ có gấp đôi số tiền chúng tôi muốn tài trợ để giúp có thêm nhiều sinh viên được cấp học bổng. Đây cũng chính là mục đích của chúng tôi để kêu gọi thêm nhiều người cùng đóng góp vào quỹ học bổng của Trường Đại học Fulbright".
Song song đó, ông chủ VWS cũng luôn rộng cửa chào đón học sinh, sinh viên từ các trường đến tham quan, học tập và tìm hiểu liên quan đến việc bảo vệ môi trường, tái chế rác, công nghệ xử lý rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Đồng thời tạo điều kiện để sinh viên ngành môi trường nếu ra trường chưa có việc làm đều có thể nộp hồ sơ làm việc tại VWS.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng giữ lại tất cả nhân viên mới có cùng mục đích muốn đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường chung của TP HCM. Tại VWS, các nhân viên sẽ được tạo điều kiện để cùng làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi rất mong muốn phát triển ngành nghề của mình trong việc xử lý rác, bảo vệ môi trường cũng như tái chế rác. Đó chính là phương châm, là kim chỉ nam khi chúng tôi đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường" - doanh nhân David Dương nhấn mạnh.