Ngày 14-4, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để sớm hoàn thiện dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ đề án triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money – tiền di động). Dự kiến, đề án sẽ được sớm trình trong tháng 4 này.
Tại Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Mobile Money cũng giống như ví điện tử nhưng không cần có tài khoản ngân hàng. Ảnh: Lam Giang
Mobile Money có các đặc điểm chính là việc chuyển tiền, thanh toán được thực hiện qua điện thoại di động; dịch vụ được cung cấp chủ yếu thông qua một mạng lưới các điểm giao dịch là các đại lý (có thể là chi nhánh ngân hàng, cửa hàng bán lẻ, đại lý phân phối…) nên rất rộng lớn; khách hàng là những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng; các dịch vụ chính như giao dịch bán lẻ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý…
Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV nhận xét về bản chất, Mobile Money tương tự như ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e–money) nhưng khác so với Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) ở chỗ Mobile banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán...
Trong khi, Mobile money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ. Ở Việt Nam, Mobile Money là dịch vụ tương đối mới nhưng có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai như có lượng thuê bao điện thoại lớn, hơn 43,7 triệu người dùng di động thông minh; Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ người dùng internet cao (70,3%) tương ứng 68,5 triệu người dùng internet năm 2019…
Nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng như xác thực sinh trắc (vân tay, khuôn mặt...); mã QR Code; mã hóa thông tin thẻ (Tokenization). Hiện Viettel và VNPT đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Trung gian thanh toán. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đang được xây dựng, có thể hoàn thành trong năm 2020, phục vụ việc định danh cá nhân trực tuyến (e-KYC).
Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, việc phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại (gồm Mobile Money) phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện… cũng là một trong các mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1-2020.