NHNN sẽ siết chặt quy định gửi rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng?
Cụ thể, vị lãnh đạo cao cấp NHNNcho biết, cuối tuần này hoặc chậm nhất đầu tuần sau, NHNN sẽ chính thức ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, ngoại tệ giữa TCTD và cá nhân, với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh việc buộc các ngân hàng phải thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số điểm mới đang được NHNN cân nhắc.
"Cụ thể, yêu cầu hạn mức rút tiền có thể ở mức 200 triệu đồng hoặc 500 triệu đồng trở lên phải có xác thực của khách hàng dưới nhiều hình thức như: tin nhắn điện thoại, thư điện tử… do ngân hàng tùy chọn. Đặc biệt, có hay không quy định về việc nhân viên ngân hàng được nhận ủy quyền của khách hàng trong việc thực hiện giao dịch tại ngân hàng...", vị lãnh đạo NHNN nói.
Không quản được thì nên cấm!
Tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN tại Điều 8 có nêu quy định về "Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm". Trong đó quy định "Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ liên quan".
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2017, NHNN cũng đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng và ngoại tệ giữa TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cá nhân với quy định tại Chương 2, Điều 13: Thủ tục gửi tiền có kỳ hạn, khách hàng trực tiếp đến TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thực hiện các thủ tục… Điều 14 quy định: Chi trả tiền gửi có kỳ hạn, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng đến làm thủ tục rút tiền tại các địa điểm giao dịch của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc ban hành thông tư mới của NHNN liên quan mật thiết tới những vụ khách hàng bỗng dưng mất tiền tại các ngân hàng trong vòng 2 năm trở lại đây. Gần đây nhất là vụ việc khách hàng mất hơn 300 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank.
Sau sự cố kể trên, giờ là lúc để các ý kiến góp ý cho NHNN để cơ quan này đưa ra những quy định mới phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo được an toàn tiền gửi của khách hàng, lại vừa đúng với những chính sách chăm sóc khách VIP của ngân hàng.
Góp ý cho NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị: NHNN cần đưa ra những quy định rõ hơn nữa về quy trình gửi tiền tại các ngân hàng. Cụ thể, cấm hành vi đến nhà khách hàng phục vụ như thế nào để có hiệu quả trước thực tế là hầu như mọi ngân hàng đều có chính sách này. Hoặc nếu không cấm thì phải mở ra như thế nào, quy định ra sao về quyền lợi và trách nhiệm của cả 2 bên.
Ông Hiếu nhấn mạnh thêm rằng "việc bỏ ngỏ quy định trong hoạt động gửi tiền, bàng quan trước việc ngân hàng không thực hiện chặt chẽ qui trình là yếu tố tạo điều kiện cho tội phạm ở Việt Nam".
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một vị giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại thì nên "cấm triệt để hành vi chăm sóc khách VIP bất chấp các quy định về quy trình, thủ tục gửi, rút tiền tại ngân hàng". Theo vị giám đốc này, nguyên nhân chủ yếu của các vụ án nhân viên ngân hàng lừa đảo khách hàng thời gian vừa qua là do giao dịch bằng tiền mặt và khách hàng quá tin vào nhân viên ngân hàng mà không tuân thủ các quy trình an toàn.
Làm sao để cấm?
Như đã nêu, các chuyên gia tài chính và cả người trong cuộc đều thừa nhận rằng các ngân hàng đều có chính sách chăm sóc khách VIP bằng cách không yêu cầu khách hàng tới điểm giao dịch để gửi hoặc rút tiền. Đây là một trong những phương thức cạnh tranh của các ngân hàng để lôi kéo khách hàng VIP, có số tiền gửi lớn.
Trước thực tế này, NHNN nên cấm một cách triệt để hành vi này hoặc thừa nhận thực tế này và ban hành quy định để quản lý nó. Đây là điều mà NHNN nên cân nhắc trước khi ra quy định mới. Nếu ra quy định cấm thì NHNN cũng cần quy định rõ chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm.