“Thời hoàng kim, có ngày tiệm sửa máy ảnh Phạm Thê kiếm được 5 chỉ vàng là chuyện bình thường, có hôm còn hơn” - anh Phạm Ngọc Lâm, con trai lớn của gia đình họ Phạm nhớ lại.
Tuy nhiên, anh Lâm cũng nói rõ thời hoàng kim của những năm đầu thập niên 90 đó nay đã xa. “Công nghệ số đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và việc làm của Phạm Thê, tất nhiên” - Anh Tuấn (Tuấn nhỏ), con trai út nhà họ Phạm nói thêm.
Khách kẹt cứng cả tiệm
Ông Phạm Thê, người sáng lập nên thương hiệu Phạm Thê đã mất cách đây 5 năm. Ông có cả thảy 5 người con, hai con gái hiện sống ở Mỹ và 3 người con trai đều nối nghiệp ông. Con trai út của ông, anh Tuấn, một trong 3 người con được ông truyền nghề, mỗi lần nhắc đến người cha quá cố của mình, cứ một chữ “ông thầy” hai chữ “ông thầy”. Hỏi, anh nói: “Vì mình đã quen gọi chung như vậy với đám thợ học trò của ba mình rồi. Vả lại, với mình, ông không chỉ là người cha nhân hậu mà là người thầy giỏi đáng kính”.
Từ tiệm ảnh nhỏ trên đường Lê Văn Duyệt, quận 10 (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), năm 1982, gia đình ông Phạm Thê mua nhà và mở tiệm sửa máy ảnh tại số 11 Lê Công Kiều, quận 1. Lúc đó, phố Lê Công Kiều chưa được gắn với biệt danh “phố đồ cổ” và tấp nập khách thập phương như 20 năm trở lại đây.
Theo anh Tuấn, khoảng 10 năm từ 1985 - 1995, là thời hoàng kim của cửa tiệm và kéo dài thêm khoảng gần chục năm “sống ổn” sau đó nữa. Thời đó, trung bình mỗi ngày tiệm nhận sửa 15 chiếc máy từ dân chụp ảnh chuyên nghiệp và khách du lịch nước ngoài. Vào dịp lễ tết, nhiều khi phải từ chối vì khách đến xếp hàng chờ sửa và lấy máy kẹt cứng cả tiệm.
Thức sáng đêm sửa ống kính
Năm 1995, từ bài báo của một nhà báo người Nhật, người được tiệm Phạm Thê sửa thành công ống kính hiệu Nikon chỉ sau một đêm, tên tuổi của Phạm Thê được các tập đoàn Nikon, Canon ở Nhật biết đến nhiều hơn.
Nhà báo này đến làm việc ở Hà Nội, chẳng may cái ống kính trị giá gần 2.000 USD bị hỏng, các tiệm sửa máy ảnh cũ ở Hà Nội lắc đầu sau đó giới thiệu ông vào Sài Gòn đến tiệm Phạm Thê. Vị khách người Nhật bay từ Hà Nội vào Sài Gòn và tìm đến.
Ông Phạm Thê, lúc đó còn trẻ khỏe, nhìn ống kính của khách đã bị các thợ sửa trước vá víu bằng những vết hàn, keo dán nhem nhuốc, đã muốn từ chối. Nhưng nhìn bộ dạng khách đi 2.000 cây số vào đây với hi vọng cuối cùng từ tay nghề của mình, ông quyết định thức sáng đêm để sửa.
Thậm chí, ông đã dùng chiếc cưa của thợ bạc chuyên dụng để cưa, đẽo thành công các ốc vít bị dán bằng keo dán sắt trước đó. Bằng kinh nghiệm và sự khéo léo của tay nghề, dùng phương pháp thủ công, ông đã sửa thành công chiếc ống kính hiệu Nikon hiện đại. Khỏi phải nói sự ngạc nhiên và cảm phục của nhà báo người Nhật khi sáng sớm hôm sau, nhận được ống kính từ tay người thợ già với tiền công 300.000 đồng, giá chỉ bằng 1/10 dự đoán của khách.
Một bài báo về “phù thủy của chiếc máy ảnh” tại Việt Nam do nhà báo người Nhật này viết đã khiến Tập đoàn Nikon tại Nhật chú ý. Năm 1998, đại diện Tập đoàn Nikon bay đến Việt Nam đặt vấn đề mời Phạm Thê làm trung tâm bảo hành quốc tế chính thức của hãng tại Việt Nam. Theo anh Tuấn, thật ra trước đó Nikon đã hợp tác bảo hành với vài ba đối tác là nhà kinh doanh máy ảnh Nikon tại Việt Nam, nhưng không thành công.
Anh Tuấn được cử sang Singapore và Hồng Kông để Nikon đào tạo chuyên sâu về máy ảnh hiện đại (máy kỹ thuật số). Trung tâm sửa chữa máy ảnh Phạm Thê trở thành nhà bảo hành quốc tế cho Nikon từ đó. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, thời gian hợp tác cũng không lâu do Nikon yêu cầu những điều kiện khó thực hiện, chẳng hạn chỉ sửa máy ảnh Nikon, không sửa bất kỳ thương hiệu nào khác.
“Việt Nam mới thoát cấm vận, người nước ngoài đến Việt Nam nhiều, với nhiều nhu cầu khác nhau. Nếu chỉ gắn với mỗi Nikon, trong khi khách tìm đến tiệm dùng nhiều sản phẩm của Canon, Pentax, Fuji, Panasonic, Sony... đặc biệt nhiều máy chuyên nghiệp, máy cổ mà chỉ có Phạm Thê mới “trị” được, chúng tôi không thể từ chối. Ràng buộc đó khiến chúng tôi rất khó phát huy tay nghề lẫn giữ khách. Thế nên, chúng tôi quyết định chỉ là đối tác của Nikon, làm độc lập, đặt phụ kiện từ Nhật gửi về và sửa chữa cho mọi khách hàng như trước đây” - Tuấn chia sẻ.
Là người làm lâu năm với cha, anh Phạm Ngọc Lâm kể: “Cha tôi là người cầu tiến, ông luôn muốn phát triển, không chấp nhận cái hiện tại, muốn cái gì đó mới mẻ hơn. Thậm chí, ông từng lên kế hoạch mở rộng ra Hà Nội, khuếch trương thương hiệu mang tính toàn cầu hơn, nhưng việc đào tạo người giỏi và tài chính khiến kế hoạch bị chựng lại”.
Chính bởi cầu tiến, ông Phạm Thê từng sang Mỹ mua phụ kiện để phục chế lại những chiếc máy cũ. Ông cũng từng là thần tượng của giới sưu tập máy ảnh cổ khi ông sở hữu và phục hồi được nhiều chiếc máy ảnh cổ “đẹp như mơ” cho giới chơi ảnh, săn đồ cổ.
Mở thêm hướng kinh doanh
Ngày nay, tiệm Phạm Thê ở địa chỉ 11 Lê Công Kiều đã được in trang trọng trong các cẩm nang hướng dẫn du lịch và du khách nước ngoài đến Việt Nam, nếu gặp sự cố với máy ảnh, họ sẽ biết đường tìm đến địa chỉ này. Tuy nhiên, trước cơn lốc của kỹ thuật số, smartphone, iPhone... nghề này không còn hưng thịnh như trước nữa.
Xu hướng đó khiến anh Tuấn đang phải nghĩ đến hướng đi mới, có thể là mở rộng kinh doanh, nhập máy mới về bán; nhập máy cũ về phục trang bán lại, mua bán kinh doanh các phụ liện liên quan đến ngành máy...
“Những thay đổi đó có thể do tham vọng, cầu tiến, xu hướng mà thành chứ chưa hẳn do mê kiếm tiền mà có. Tôi vẫn quan niệm nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Tập trung chuyên môn để làm tốt nhất việc của mình, đã là thành công. Hơn nữa, tôi có cảm giác không an toàn khi sửa bán lại chiếc máy ảnh cũ cho khách” - Tuấn bộc bạch.