Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang gặp nhiều khó khăn do thị trường này áp dụng quy định về nhập khẩu sớm 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Rào cản khó vượt
Ngoài tuân thủ phải chịu kiểm tra 100% theo quy định mới của Mỹ, đáng lo hơn là Việt Nam phải hoàn tất việc thực thi quy định tương đồng về tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn của Mỹ vào tháng 3-2018 (đã gia hạn thêm 6 tháng) theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nếu chưa được công nhận tương đương, cá tra Việt Nam phải ngừng xuất khẩu sang thị trường này. Đối với ngành cá tra, việc đáp ứng quy định tương đồng là hết sức khó khăn do điều kiện sản xuất 2 nước rất khác nhau. Hiện Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên trong lộ trình 6 bước để tiến tới việc công nhận.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng luật nông trại là một minh chứng cho những quy định vô lý mà Mỹ, với thế mạnh của mình đặt ra để hạn chế tự do thương mại, gây khó cho nước xuất khẩu.
Cá tra được đánh giá là “mỏ vàng” của Việt Nam nhưng chưa được khai thác đúng mức Ảnh: Ngọc Trinh
Không những thế, ngay tại Mỹ, việc giám sát chặt cá tra nhập khẩu cũng gặp nhiều phản đối do không cần thiết, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nước này. Bởi vì, cá tra là động vật máu lạnh, ít nguy cơ nhưng lại bị quản lý chặt như đối với các loại gia súc, gia cầm và thực tiễn tỉ lệ cá tra bán tại Mỹ trước giờ bị phát hiện vi phạm là rất thấp. Vào tháng 5-2016, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết hủy bỏ chương trình thanh tra cá da trơn. Đến tháng 5-2017, thậm chí báo cáo ngân sách của USDA còn đưa ra đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tiếp tục là cơ quan thanh tra, kiểm tra cá tra của Việt Nam như lâu nay thay vì USDA do thiếu kinh phí.
Trước luật nông trại, cá tra sang Mỹ đã bị gánh nặng của thuế chống bán phá giá. Đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có 14 năm theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá và nhiều DN đã rời cuộc chơi do bị áp thuế suất quá cao (mức toàn quốc là 2,39 USD/kg).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2017, 14 DN cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng sản lượng và giá trị tập trung vào 3 DN là Vĩnh Hoàn, Hùng Vương và Biển Đông nhờ được hưởng thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế chống bán phá giá. Trong 6 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu xuất khẩu cá tra với hơn 21% thị phần, tương đương 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình trên, tại giao ban nhiệm vụ ngành nông nghiệp tháng 8 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Cá tra để nghiên cứu kỹ các bất cập trong luật nông trại Mỹ để tiến hành các biện pháp đấu tranh thương mại phù hợp. Việt Nam đang có dự thảo về việc cho phép nhập khẩu bã ngô từ Mỹ trở lại sau khi tạm ngưng vào tháng 10-2016 (do phát hiện nhiễm mọt nguy hiểm) cùng với đề nghị Mỹ xem xét tháo gỡ xuất khẩu cá tra và trái cây của Việt Nam.
Giảm giá là tự sát!
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản), cá tra được nhiều nước đánh giá là "mỏ vàng" của Việt Nam. Đây là loài cá bản địa có năng suất sinh học cao, chiếm ít diện tích đất, phù hợp nuôi quy mô công nghiệp. Thịt cá tra trắng, không có xương dăm, ít mùi cá (vị trung tính) nên có thể chế biến món ăn cho nhiều nền ẩm thực khác nhau. Do đó, cá tra chi phối thị trường cá phi lê thịt trắng thế giới, là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nhiều nước với khả năng "bùng nổ" về sản lượng mà không có loại cá nuôi nào có thể là đối thủ. Đã thế, giá cá tra lại rẻ, đây là lợi thế mà cũng là khởi nguồn của thị phi, kiện bán phá giá và nhiều quy định khắt khe từ nước nhập khẩu.
Với nhiều ưu thế vượt trội nhưng do cạnh tranh chủ yếu bằng giảm giá, đi kèm là giảm chất lượng khiến các đối thủ có cớ để "đánh" cá tra ở khắp các thị trường. Theo bà Minh, các DN nên nhận thức rõ, cạnh tranh giảm giá là tự sát. Các DN cần hợp tác xây dựng thương hiệu chung dựa trên các quy tắc ứng xử, kiểm soát nội bộ và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật mà thị trường đưa ra.
TS Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng đã đến lúc các DN cần thay đổi tư duy kinh doanh. Đó là không bán hàng giá rẻ. "Tôi mong chờ những DN từ chối đối tác đặt hàng giá rẻ. Toàn ngành nói không với giá rẻ để bảo vệ chất lượng và thương hiệu thủy sản Việt Nam" - ông Lựu đề xuất.
Mới đây, trong đề án xây dựng thương hiệu quốc gia đang được các bộ ngành triển khai, chỉ mặt hàng phi lê cá tra cao cấp (gần với phi lê tự nhiên, không tăng trọng) được chọn để xây dựng thương hiệu.
Sẽ không có xáo trộn lớn
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết phía Mỹ đã và đang hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho quá trình đánh giá tương đương. Tuy nhiên, khả năng được công nhận là hiếm hoi. Vì vậy, Việt Nam phải tính đến tình huống xấu nhất là không được công nhận. Hạn chót càng tới gần nhưng diễn biến thị trường cho thấy giá cá tra không hạ mà xu hướng đang tăng nhờ đã có thị trường thay thế. Dự kiến trong năm nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ngành cá tra đang chuyển hướng từ ngành công nghiệp cá phi lê theo khẩu vị Mỹ và châu Âu sang ẩm thực châu Á. Sự chuyển dịch thị trường đã giúp cho ngành cá tra không có xáo trộn lớn khi bị mất thị trường truyền thống.